Thủ tướng yêu cầu Cần Thơ tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hoàn thiện quy hoạch là nhiệm vụ trung tâm của Cần Thơ, theo hướng gắn với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng yêu cầu Cần Thơ tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 13/6,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với thành phố Cần Thơ - thủ phủ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, với tinh thần quyết tâm hoàn thành và vượt kế hoạch kinh tế-xã hội mà Quốc hội đã đề ra, buổi làm việc là dịp để Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, phối hợp, hỗ trợ Cần Thơ hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và định hướng những nhiệm vụ cơ bản giai đoạn 5 năm tới.

Lợi thế của thành phố Cần Thơ không chỉ ở các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản mà còn ở vị trí địa lý, cho phép phát triển các dự án trong các lĩnh vực: hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông, thủy sản; du lịch và hạ tầng phục vụ du lịch; các ngành công nghiệp phụ trợ.

Sáu tháng đầu năm, kinh tế-xã hội Cần Thơ tiếp tục chuyển biến tích cực và tăng trưởng khá trên nhiều ngành, lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 28.755 tỷ đồng, tăng 6,82% so với cùng kỳ. Các chỉ số sản xuất kinh doanh đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 8.038 tỷ đồng, đạt 70,7% dự toán Hội đồng Nhân dân thành phố giao trong khi đó, chi ngân sách giảm 8,6%.

Theo công bố xếp hạng, Cần Thơ xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Thành phố đã xác định được 60 đầu việc nhằm thực hiện các Nghị quyết 19/CP về cải thiện môi trường cạnh tranh; Nghị quyết 35/CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến 2020. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn Cần Thơ ước tăng đều khoảng 9,12%/năm.

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2016, Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng cho phép thành phố tự quyết định chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư và áp dụng một số cơ chế đặc thù đối với các dự án đầu tư trên địa bàn.

Các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao Cần Thơ nhất là tính chủ động, tích cực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ. Các ý kiến cũng đề nghị Cần Thơ cơ cấu lại vùng nguyên liệu để nâng cao hiệu quả kinh tế cho các vùng sản xuất; đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp; tăng cường kết nối với các địa phương khu vực đồng bằng Sông Cửu Long trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng xứng tầm với vai trò, vị trí trung tâm tài chính, du lịch, văn hóa xã hội của vùng.

Các bộ, ngành cũng cho rằng Luật Đầu tư sửa đổi chuẩn bị có hiệu lực thi hành với nhiều sửa đổi căn bản, sẽ là điều kiện thuận lợi để Cần Thơ triển khai các công trình, dự án trên địa bàn.

Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế-xã hội của Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng 10 năm qua, Cần Thơ đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và diễn biến gay gắt của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Thành phố cũng đã làm tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nhờ đó, củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân đối với các hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Cần Thơ là địa phương năng động, chủ động, sáng tạo, có quan điểm đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và nhân dân. Những kết quả này, thể hiện quyết tâm của chính quyền nhân dân Cần Thơ trong xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng kết luận.

Nhấn mạnh đến đặc thù của Cần Thơ là thành phố Trung ương dễ bị ảnh hưởng, tổn thương nhất bởi tác động từ biến đổi khí hậu trong số các thành phố lớn của cả nước, Thủ tướng khẳng định hoàn thiện quy hoạch là nhiệm vụ trung tâm của Cần Thơ, theo hướng gắn với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đi liền với đó là định hướng đúng đắn các giải pháp tổng thể nhằm đa dạng hóa nguồn lực phục vụ phát triển.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Cần Thơ tiếp tục đa dạng hóa, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và các lĩnh vực khác tương xứng với vị trí thủ phủ Đồng bằng Sông Cửu Long trên cơ sở các điều kiện tự nhiên, khai thác lợi thế của biến đổi khí hậu nhằm ổn định, nâng cao đời sống, lao động và thu nhập của người nông dân.

Thủ tướng mong muốn Cần Thơ đột phá hơn nữa trong phát triển doanh nghiệp, phấn đấu trở thành thủ phủ của phong trào khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao; đột phá trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động sản xuất kinh doanh để có giá trị gia tăng cao hơn.

Thành phố phải thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để phát triển thị trường; đi đôi với chú trọng đào tạo cán bộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là Việt kiều có trình độ cao để đóng góp cho quê hương, đất nước.

Thủ tướng cũng đề nghị Cần Thơ đột phá trong liên kết, kết nối giữa các địa phương trong vùng từ các khâu liên kết sản xuất, chiếm lĩnh thị trường. Không dừng ở đó, là trung tâm của khu vực, Cần Thơ cần chú ý kết nối với các thành phố lớn trong cả nước; các thành phố trong khu vực và trên thế giới để thu hút kinh nghiệm, thế mạnh và tiềm năng của các đối tác lớn để có các mô hình hiệu quả.

Cho rằng cần tạo cơ chế thông thoáng để Cần Thơ bứt phá, Thủ tướng mong muốn lãnh đạo, chính quyền các cấp của Cần Thơ phải duy trì và phát huy hơn nữa tư duy đổi mới sáng tạo trong quản lý, điều hành. Chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, phối hợp giải quyết các kiến nghị của thành phố, Thủ tướng yêu cầu Cần Thơ trước hết cần bám sát Nghị quyết 01/CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; các Nghị quyết 35/CP và Nghị quyết 19/CP về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư để góp phần cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng và thời gian tiếp theo.

Trước đó, sáng cùng ngày, phát biểu khi đến thăm Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long - một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học nông nghiệp chủ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Viện tập trung vào việc nghiên cứu giống lúa phù hợp với mọi điều kiện canh tác của khu vực, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến gay gắt như hiện nay; giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp nếu xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra.

Nhấn mạnh đến mục tiêu cải cách ngành lúa gạo Việt Nam để nâng cao năng suất lao động, đời sống người nông dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế tiến tới tự chủ để cải thiện thu nhập, hỗ trợ đời sống cho cán bộ, nhân viên, nhà khoa học của Viện nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chung.

Thủ tướng yêu cầu Cần Thơ tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ, nhân viên Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Lãnh đạo Viện phải chủ động đổi mới cơ chế quản lý, điều hành theo lộ trình phù hợp, có sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước; tăng cường bồi dưỡng cán bộ trẻ, thu hút nhân tài, tránh chảy máu chất xám; tháo gỡ cơ chế quản lý ràng buộc không còn phù hợp để nâng cao chất lượng hoạt động của Viện.

Gần 40 năm qua, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất được 165 giống lúa.

Từ năm 2000 đến nay, Viện đã chủ động lai tạo thành công nhiều giống lúa có đặc điểm nổi trội về năng suất, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 120-130 ngày xuống 90-105 ngày, có khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất thuận khá giúp nông dân trong vùng có điều kiện thâm canh, tăng vụ từ 2 lên 3 vụ né mặn, tránh lũ.

Các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa của Viện cũng góp phần làm cho năng suất lúa của Việt Nam đứng đầu khu vực.

Đặc biệt, trong tình hình hạn mặn vừa qua, Viện đã kịp thời khuyến cáo và cung các giống lúa có khả năng chống chịu đối với mặn, đáp ứng kịp thời và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra. Bộ giống lúa chịu mặn cũng đang được Viện Lúa đang triển khai ở 6 tỉnh ven biển và bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Kiên Giang).

Nhân dịp công tác tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đi khảo sát địa điểm triển khai một số dự án hạ tầng và tới thăm hỏi, tặng quà, động viên một số gia đình chính sách tại thành phố Cần Thơ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục