Thừa Thiên-Huế: Hình thành thêm 7 sản phẩm và tour du lịch mới

Ngày 25/7, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức giới thiệu 7 sản phẩm và tour du lịch mới tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.
Thừa Thiên-Huế: Hình thành thêm 7 sản phẩm và tour du lịch mới ảnh 1Quang cảnh lễ công bố. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Ngày 25/7, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức giới thiệu 7 sản phẩm và tour du lịch mới tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.

Các sản phẩm và tour du lịch mới này được hình thành trên cơ sở khảo sát thực tế của các đơn vị lữ hành trong nước, nhằm phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế thời gian tới.

Các sản phẩm và tour du lịch mới bao gồm tour du lịch khám phá dòng sông Hương của đơn vị Hidden Land Travel; lặn biển ở Sơn Chà-Đảo Ngọc-Biển Lăng Cô của Công ty du lịch Vietnam Locals; đầm phá và những ngôi làng của Công ty "Huế của ta"; đạp xe và lặn biển của Chi nhánh Vietnam Bike Tours tại Huế; trải nghiệm nghề rèn và thưởng thức ẩm thực địa phương Huế của Công ty Du lịch Bách Vạn Tùng; tour du lịch cộng đồng của Công ty Huetourist và chùm tour du lịch khám phá miền quê ven thành phố Huế của Công ty AV Huế Travel.

[Hoàng cung Huế trong tốp 7 điểm tham quan du lịch hàng đầu]

Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc khẳng định, việc khai thác các tour du lịch cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương cùng với các cơ quan, ban, ngành liên quan nhằm khai thác tối đa nguồn lực du lịch của địa phương. Với trách nhiệm của Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, trên cơ sở ý tưởng các sản phẩm và tour du lịch được giới thiệu lần này, ngành du lịch tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp và địa phương để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác triển khai sản phẩm mới, hỗ trợ trong công tác quảng bá sản phẩm đến với khách du lịch.

Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên-Huế. Những năm qua, với tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản" (gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới) du lịch Huế thực sự mạnh với "di sản trong di sản," trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách. Hoàng cung Huế (Đại Nội) cũng vừa được Tổng cục Du lịch xếp loại là 1 trong 7 điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2017.

Gần đây, ngành du lịch có nhiều hoạt động kích cầu như: xây dựng và triển khai chuỗi sản phẩm du lịch, giải trí của các đơn vị lữ hành và cung cấp dịch vụ điểm đến ở Huế; tham quan Đại Nội về đêm, thưởng thức món ăn Huế và ca Huế trên Ngự thuyền Long Quan, tour khám phá di tích và đồng quê bằng xe vespa cổ hoặc bằng xe đạp, tour du lịch cộng đồng tham quan thượng thành Huế.

Bên cạnh đó, việc liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong và ngoài nước được củng cố và mở rộng; hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển du lịch, không gian đô thị từng bước được đầu tư; nhiều sản phẩm du lịch mới đã hình thành góp phần tăng lượng khách tham quan hệ thống di tích Cố đô Huế.

Năm 2017, tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu thu hút khoảng 3,3 - 3,5 triệu lượt khách (tăng 8%), lượng khách quốc tế chiếm từ 40 - 45%; doanh thu du lịch đạt 3.200 - 3.300 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2016. Riêng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đến 10/7/2017 đã đón 1,65 triệu lượt khách du lịch với doanh thu đạt 175,4 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục