Thừa Thiên-Huế: Hơn 10 tấn cá nuôi lồng chết trong vòng hai ngày

Chỉ trong vòng hai ngày, tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà có hơn 10 tấn cá nuôi lồng bị chết, ước thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng; xác định nguyên nhân ban đầu cá lồng nuôi bị chết do thiếu ôxy.

Ngày 15/7, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Hoàng Ngọc Khanh cho biết chỉ trong vòng hai ngày, tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà có hơn 10 tấn cá nuôi lồng bị chết, ước thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng; xác định nguyên nhân ban đầu cá lồng nuôi bị chết do thiếu ôxy.

Cụ thể, tại thời điểm cá chết (14/7), lượng ôxy đo được trung bình 0,8%; đến rạng sáng 15/7 chỉ dao động từ 0,58%, trong khi đó lượng ôxy cho phép nuôi phải đạt 4%.

Ngoài ra, do diện tích lồng quá nhỏ, song người dân thả nuôi mật độ quá cao, nắng nóng diễn biến phức tạp, một số khí độc ở tầng đáy nổi lên mặt lồng cũng là nguyên nhân dẫn đến cá chết...

Một nguyên nhân khác đang được tính đến nữa là, mật độ nuôi dày, các lồng nuôi cá đều được ngư dân bố trí nằm ở vị trí sát đáy để dễ neo, không bị trôi, trong khi quy chuẩn đặt ra là đáy các lồng nuôi cách đáy nước nơi đặt lồng cá ít nhất là 1m. Tình trạng này, khi có thời tiết thay đổi đột ngột, làm cho cá nuôi bị thiếu ô xy trầm trọng dẫn đến cá chết hàng loạt.

Ông Hà Văn Trường ở thôn Thai Dương, Hạ Trung, cho biết trước đó cá vẫn ăn tốt, không có dấu hiệu bất thường. Đến rạng sáng 14/7, khi ông ra cho cá ăn thì phát hiện cá chết hàng loạt, nổi trắng lồng, tiếp tục kiểm tra năm lồng nuôi khác mới tá hỏa cá chết gần hết. Các loại cá chết chủ yếu là cá vẩu và một số cá hồng, mú... ước thiệt hại gần 100 triệu đồng.

Thời điểm ông Trường phát hiện cá chết trùng với thời tiết có mưa dông. Có thể, người dân chủ quan, không tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật nuôi, mật độ nuôi quá dày dẫn đến cá chết.

Tuy nhiên, để đánh giá đúng nguyên nhân, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục quan trắc môi trường, để có hướng chỉ đạo tích cực và khuyến cáo người dân về lịch thời vụ và kỹ thuật nuôi thả.

Số cá bị chết ở Hải Dương lần này đều do trước đó không bán được nên người dân giữ lại nuôi tiếp. Đây cũng là thực trạng chung tại nhiều địa phương vùng ven biển, đầm phá trên địa bàn tỉnh. Ngoài ở Hải Dương, hiện tại các hội nuôi cá lồng ở xã Lộc Bình (Phú Lộc) cũng đang trong tình trạng tương tự. Toàn xã có 195 lồng của 97 hộ đã đến kỳ thu hoạch gần cả tháng nay nhưng vẫn không bán được.

Thị trường tiêu thụ cá lồng các địa phương nói trên chủ yếu là ở Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng. Tuy nhiên, gần đây lượng tiêu thụ rất ít, nên dù cá đến kỳ thu hoạch cùng chưa bán được, vẫn để lại nuôi. Trong khi giữ cá càng lâu thì người nuôi càng dễ đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, chi phí thêm tốn kém./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục