Thừa Thiên-Huế số hóa hàng chục ngàn tài liệu Hán-Nôm quý giá

Tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh sưu tầm, số hóa được gần 40.200 trang tài liệu Hán-Nôm.
Thừa Thiên-Huế số hóa hàng chục ngàn tài liệu Hán-Nôm quý giá ảnh 1Châu bản triều Nguyễn. Ảnh minh họa. (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)

Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh sưu tầm, số hóa được gần 40.200 trang tài liệu Hán-Nôm.

Đây là kết quả của đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh "Sưu tầm, tuyển dịch, số hóa tài liệu Hán-Nôm ở một số làng, xã và tư gia tại Thừa Thiên-Huế", thực hiện trong 2 năm 2014-2015.

Theo ông Lê Trọng Bình, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên-Huế, số tài liệu Hán-Nôm trên được thu thập tại 18 làng với 132 họ tộc; cùng một số đền thờ, phủ, nhà vườn và tư gia trên địa bàn Thừa Thiên-Huế.

Những tài liệu đã được sưu tầm, số hóa bao gồm các thể loại Sắc phong, chế, chiếu, dụ (498 tên tài liệu, với 498 trang); gia phả (264 tên tài liệu, với 9.240 trang); đại bạ (38 tên tài liệu, với 7.600 trang); văn tế (50 tên tài liệu, với 5.500 trang); bằng cấp (201 tên tài liệu, với 201 trang); thể loại khác (298 tên tài liệu, với 6.961 trang).

Số tài liệu này được ghi trên các chất liệu gồm giấy dó, giấy đặc biệt-giấy sắc vàng-giấy long đằng, vải (lụa) 5 màu, và trên chất liệu đồng.

Trong số các loại văn bản Hán-Nôm trên còn có các loại chiếu chỉ, sách thuốc quý hiếm của Ngự y; sách học của giám sinh trường Quốc Tử Giám, bài thi Hương và các loại văn bản, khế ước mua bán đất đai... được sao chụp trực tiếp từ các văn bản gốc lưu trữ tại các dòng họ, các làng có niên đại từ thời Cảnh Hưng, Cảnh Thịnh đời Lê, thời Tây Sơn và thời Nguyễn.

Tiêu biểu trong số đó là sắc phong thành hoàng làng Lương Quán thuộc phường Thủy Biều, thành phố Huế. Đình làng Lương Quán trước đây có hai bảo vật là chiếc lư hương tạm xác định có niên đại từ thời Lê-Mạc và hòm bộ của làng gồm 9 sắc phong và một số văn bản có giá trị khác; trong đó, hơn 10 năm trước, 9 sắc phong trong hòm bộ của làng đã bị thất lạc.

Mặt khác, do thời gian tồn tại đã lâu, hiện di sản Hán-Nôm đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ hư hỏng, mất mát...do các nguyên khác nhau như khí hậu khắc nghiệt, ý thức con người, phương tiện nhằm bảo quản...

Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục tuyên truyền, nâng cao hoạt động bảo tồn di sản Hán-Nôm cho các họ tộc, làng, xã nói riêng, nhân dân nói chung và đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên về sự nghiệp bảo tồn di sản Hán-Nôm, một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn, góp phần tích cực vào các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa, giữ gìn và phát triển nền văn hóa đất nước, quê hương đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc sưu tầm, số hóa, tuyển dịch để bảo quản, lưu trữ và phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, học tập của nhiều đối tượng độc giả, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc nói chung, di sản văn hóa Huế nói riêng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục