Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân

Theo kết quả thống kê từ Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 ở 63 tỉnh, thành phố, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt 13,3%, tăng 1,9% so với nhiệm kỳ trước.
Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân ảnh 1Nữ đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ giải lao. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 19/11, tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp."

Dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ 7 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị ở các tỉnh nói chung và phụ nữ tham gia trong cấp ủy sau Đại hội Đảng bộ các cấp nói riêng, khả năng đạt được chỉ tiêu phụ nữ tham gia trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp mà chiến lược quốc gia đề ra.

Trong nhiều thập kỷ qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Việt Nam là quốc gia có nền tảng tốt đảm bảo quyền cho phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị thông qua việc tham gia các điều ước quốc tế về bình đẳng giới, ban hành Luật Bình đẳng giới và nhiều đạo luật quy định về bình đẳng giới trong các lĩnh vực khác nhau. Tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy Đảng, bộ máy Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương ngày càng tăng. Từ 3% nữ đại biểu ở Quốc hội khóa I đến Quốc hội khóa XIII, con số này đã tăng lên 24,4%. Đây là tỷ lệ khá ấn tượng so với mức trung bình 19% của các nước châu Á và 21% của thế giới.

Theo kết quả thống kê từ Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 ở 63 tỉnh, thành phố, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt 13,3% (tăng 1,9% so với nhiệm kỳ trước), cấp huyện đạt 14,3% (tăng 0,3%), cấp xã, phường đạt 19,69% (tăng 1,59%).

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết tăng tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử là một chỉ tiêu quan trọng trong mục tiêu “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị” của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Tăng tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp sẽ tạo cơ hội cho phụ nữ nói lên tiếng nói đại diện cho giới mình, nêu lên các vấn đề liên quan đến lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật, các chính sách bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, văn hóa, giáo dục, các vấn đề xã hội và môi trường... Đây cũng là thước đo quan trọng và cần có để đánh giá sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã nhìn nhận khó khăn trong việc tăng tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí ra quyết định nói chung và Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nói riêng. Hiện nay phụ nữ đang gặp khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và mục tiêu phát triển sự nghiệp; các yếu tố truyền thống, văn hóa, quan niệm và định kiến về giới vẫn còn tồn tại không chỉ từ xã hội, của gia đình, của nam giới đối với nữ giới mà còn của chính bản thân chị em.

Thêm vào đó, chủ trương công tác cán bộ nữ chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ trong quy hoạch. Quy trình bầu cử chưa có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; thiếu cơ chế pháp lý cụ thể ràng buộc việc thực hiện tăng tỷ lệ nữ đại biểu dân cử...

Để nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia các cấp ủy Đảng từ 25% trở lên, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trên 35% trong thời gian tới, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp như tăng cường vai trò chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc sắp xếp đào tạo cán bộ nữ, cơ cấu nguồn cán bộ nữ; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ được học tập, nâng cao chuyên môn; đẩy mạnh tuyên truyền thu hút nam giới tham gia về bình đẳng giới, xây dựng hình ảnh người cán bộ nữ, nữ đại biểu dân cử.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục