Thúc đẩy xây dựng các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng Mekong

Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 8, với chủ đề “Nắm bắt cơ hội, định hình tương lai" thảo luận cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế, hợp tác nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập khu vực.
Thúc đẩy xây dựng các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng Mekong ảnh 1

Ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế giới thiệu về Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 7 (ACMECS-7), Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 8 (CLMV-8) và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong (WEF-Mekong) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 24-26/10.

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý cho biết Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 8, với chủ đề “Nắm bắt cơ hội, định hình tương lai." Nội dung thảo luận chính, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, hợp tác nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập khu vực.

Việt Nam là nước chủ động, tích cực tham gia hợp tác, nhất là đầu tư và cung cấp các khoản hỗ trợ ba nước Campuchia, Lào, Myanmar trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước chủ động đưa ra các sáng kiến hợp tác nhằm đưa hợp tác Campuchia-Lào- Myanmar-Việt Nam đi vào hiệu quả và thực chất hơn.

Là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm năm nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, Hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 7 với chủ đề “Hướng đến một tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng.”

Các nội dung thảo luận gồm tăng cường kết nối khu vực nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế ACMECS; Tăng cường hợp tác giữa các nước ACMECS vì sự phát triển bền vững tiểu vùng Mekong, với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác, phát triển lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Việt Nam là nước chủ động đưa ra những sáng kiến để thúc đẩy hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong và điều phối lĩnh vực công nghiệp và phát triển nguồn lực. Vào tháng 11/2008, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 3 tại Hà Nội. Việt Nam cũng đã đề xuất và được các nước thống nhất về việc thành lập Nhóm công tác về môi trường.

Với chủ đề “Phát triển tiểu vùng khu vực Mekong: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối,” Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong có ba phiên họp: huy động nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng; mô hình công nghiệp hóa mới; dỡ bỏ rào cản thương mại.

Cũng theo Thứ trưởng Đặng Đình Quý, các Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 7, Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào- Myanmar-Việt Nam lần thứ 8 và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong còn nhằm thúc đẩy xây dựng các tuyến hành lang kinh tế tại tiểu vùng Mekong, trong đó có hành lang kinh tế Bắc-Nam; hành lang kinh tế Đông-Tây; hành lang kinh tế phía Nam.

Thông tin với báo chí về công tác chuẩn bị và vận hành Trung tâm báo chí của Hội nghị, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết để tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên trong nước và ngoài nước có thể đưa tin về các hội nghị này, Ban tổ chức sẽ triển khai Trung tâm báo chí tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và đưa vào hoạt động từ ngày 23-26/10.

Tại Trung tâm báo chí, các thông tin sẽ được cập nhật liên tục trong khuôn khổ hoạt động của hội nghị. Trung tâm báo chí cũng sẽ cung cấp cơ sở tác nghiệp cho phóng viên trong nước và quốc tế, cũng như tổ chức điều hành hướng dẫn hoạt động báo chí của phóng viên đưa tin các phiên họp, các sự kiện cũng như các cuộc tiếp xúc song phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục