Thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Đức

Tham tán Công sứ Nguyễn Hữu Tráng bày tỏ mong muốn ngày càng nhiều mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam có mặt ở chuỗi siêu thị của Đức thông qua việc nhập khẩu trực tiếp của Landgard.
Thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Đức ảnh 1Nông sản Việt Nam hướng đến thị trường Đức. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Ngày 18/7, đoàn công tác do Tham tán Công sứ Thương mại tại Đức Nguyễn Hữu Tráng dẫn đầu đã làm việc với giám đốc Công ty Landgard tại Chemnitz (bang Sachsen) về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nhập khẩu mặt hàng rau quả từ Việt Nam sang Đức.

Tại buổi làm việc, giám đốc Landgard tại Chemnitz, ông Jens Pawlick, đã giới thiệu với đoàn về Tập đoàn Landgard và những dự định hợp tác với Việt Nam.

Tham tán Công sứ Nguyễn Hữu Tráng bày tỏ mong muốn ngày càng nhiều mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam có mặt ở chuỗi siêu thị của Đức thông qua việc nhập khẩu trực tiếp của Landgard.

Ông cũng cho biết phía Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Landgard trong việc thiết lập quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã ở Việt Nam, và trước mắt phối hợp tổ chức đoàn của Landgard vào Việt Nam gặp gỡ trao đổi với đối tác cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam.

Về phần mình, ông Pawlick bày tỏ hy vọng nhận được sự ủng hộ về mặt chính trị của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, cho rằng sự ủng hộ này là rất quan trọng, bởi chiến lược kinh doanh của Landgard hướng tới sự bền vững, bảo vệ môi trường cũng như các quyền lợi của người nông dân, nhà sản xuất hay thành viên Hợp tác xã của mình.

Từ nhiều năm nay, Landgard muốn mở rộng địa bàn nhập khẩu các mặt hàng từ châu Á, nhất là mặt hàng trái cây nhiệt đới từ Việt Nam, như vải, xoài, thanh long, khoai lang... Hiện mặt hàng khoai lang được đánh giá có giá trị dinh dưỡng cao và có lợi cho sức khỏe hơn khoai tây, vì vậy nếu khai thác được thế mạnh sản xuất và xuất khẩu khoai lang từ Việt Nam thì đây là thị trường xuất khẩu rất lớn cho mặt hàng nông sản quen thuộc này của Việt Nam.

Tuy nhiên, do Landgard là nhà nhập khẩu và phân phối cho các chuỗi siêu thị trên toàn nước Đức nên yêu cầu số lượng cung ứng phải đủ lớn và ổn định, chất lượng bảo đảm theo các tiêu chuẩn của EU.

Landgard sẵn sàng hợp tác với đối tác Việt Nam theo hình thức liên doanh hoặc theo hợp đồng cung ứng sản phẩm với những công ty, hợp tác xã thu gom đầu mối ở Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc cá nhân người nông dân Việt Nam cũng có thể trở thành thành viên hợp tác xã của Landgard.

Thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Đức ảnh 2Đoàn công tác do Tham tán Công sứ Thương mại Nguyễn Hữu Tráng (thứ hai, phải sang) dẫn đầu thăm làm việc tại Tập đoàn Landgard Chemnitz.

Trong tất cả các trường hợp hợp tác này, Landgard đều bảo đảm bao tiêu 100% và với số lượng lớn, ổn định đầu ra cho sản phẩm từ Việt Nam. Ngoài ra, Landgard cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ bảo quản, phòng trừ dịch bệnh hoặc sản phẩm phân bón hữu cơ (bio) cho những mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam.

Tập đoàn Landgard AG đã có truyền thống hơn một trăm năm phát triển và hiện là đơn vị hàng đầu của Đức về tiếp thị, quảng bá, cung ứng các mặt hàng hoa, rau, quả cũng như những dịch vụ khác cho hầu hết các chuỗi siêu thị bán lẻ ở Đức như Aldi, Rewe, Lidle, Edeka... Là Hợp tác xã hiện đại và rất thành công trong lĩnh vực buôn bán hoa tươi, cây cảnh, rau củ và trái cây ở Đức, năm 2015, tổng doanh thu của tập đoàn đạt trên 1,8 tỷ euro, chủ yếu là mặt hàng hoa và cây cảnh (mặt hàng rau và trái cây đạt 645 triệu euro, các dịch vụ khác đạt 22 triệu euro).

Landgard hoạt động theo nguyên tắc tổ chức của một hợp tác xã, gồm 70 doanh nghiệp và hợp tác xã thành viên với hơn 3.200 cơ sở sản xuất và cung ứng hàng hóa. Landgard cũng có chi nhánh ở các nước Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Áo, Tây Ban Nha và Hungary./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục