“Thực hành quản trị công ty ở Việt Nam hầu hết vẫn còn hình thức”

Quản trị công ty ở Việt Nam vẫn còn mang tính hình thức. Phần lớn các công ty chỉ tuân thủ theo yêu cầu của Luật pháp và do có chế tài.
“Thực hành quản trị công ty ở Việt Nam hầu hết vẫn còn hình thức” ảnh 1Hội thảo Bộ quy tắc về Quản trị công ty, ngày 29/8. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Thực hành ‘quản trị công ty tốt’ tại Việt Nam đang ở mức độ khá là thấp so với các nước trong khu vực. Theo Kết quả thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN (năm 2011- 2012- 2013, 2014), Việt Nam đứng ở mức thấp nhất (sau Indonesia, Malaysia, Phillippines, Singapore, Thái Lan), Việt Nam không có mục nào đạt trên 50 điểm trong 5 nguyên tắc lớn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD.”

Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục nhấn mạnh, “so với Thái Lan với mức 78 điểm – 80 điểm thì Việt Nam chỉ có 42 điểm, đây vị trí của rất thấp,” tại Hội thảo Bộ quy tắc về Quản trị công ty, do Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) phối hợp tổ chức, ngày 29/8.

Trên thực tế nếu so với 10 năm trước đây, quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, với những bước tiến trong về việc xác lập các quyền cơ bản của cổ đông, xác định các cơ chế để bảo vệ các quyền lợi cơ bản này hay như điều lệ doanh nghiệp, trình tự tổ chức đại hội cổ đông, công bố thông tin, tính độc lập của Hội đồng quản trị.

Song, ông Hải lại thẳng thắn chỉ ra, thất vọng lớn nhất chính là sự tuân thủ, bởi quản trị công ty ở Việt Nam vẫn còn mang tính hình thức. Phần lớn các công ty chỉ tuân thủ theo yêu cầu của Luật pháp và do có chế tài. Cụ thể, không ít công ty mặc dù đã đáp ứng các yêu cầu Luật, có thành viên Hội đồng quản trị không điều hành, nhưng thực chất những người này có vai trò gì trong Hội đồng quản trị hay không vẫn là câu hỏi lớn.

Không chỉ có vậy, “Luật yêu cầu phải công bố thông tin, song không thể quy định chi tiết thông tin như thế nào là tốt - không tốt, vì vậy nhiều công ty cứ công bố thông tin song công chúng thực chất không biết doanh nghiệp muốn công bố thông tin về điều gì. Thêm vào đó, quy định doanh nghiệp phải có quy chế về quản trị nội bộ, mặc dù hầu hết các doanh nghiệp đều có nhưng khi triển khai nhiều doanh nghiệp lại không thực hiện trình tự thủ tục này,” ông Hải chỉ ra.

Theo bà Anne Molyneux, chuyên gia quốc tế về quản trị công ty của IFC, quản trị công ty tốt sẽ đóng góp cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế đồng thời tăng cường sự ổn định, tạo dựng một thị trường vốn hiệu quả. Xu hướng của các nhóm toàn cầu, quy định quản trị công ty chuyển hướng từ tự nguyện sang bắt buộc với những kỳ vọng mạnh mẽ hơn của nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.

Tại Hội thảo, ông Alexander Berg chuyên gia Cao cấp về Phát triển Khu vực tài chính thuộc bộ phận Tài chính và Thị trường của Ngân hàng Thế giới đã trình bày Các bộ Quy tắc Quản trị Công ty trên toàn cầu. Đây là một tập hợp độc lập các khuyến nghị hoặc quy định mang tính tự nguyện nhằm cải thiện và hướng dẫn hoạt động quản trị công ty trong các công ty niêm yết.

Với kinh nghiệm 20 năm trong cải cách quản trị công ty, phân tích chính sách thị trường vốn và cải cách doanh nghiệp Nhà nước, ông Alexander chỉ ra những thách thức về việc tích hợp Bộ quy tắc với các yếu tố khác của khuôn khổ pháp lý, như khó bổ sung bộ quy tắc trên nền khuôn khổ pháp lý đã có sẵn, hay như công ty -  khuôn khổ pháp lý – quy định về chứng khoán đã hoàn thiện, sẽ khó soạn thảo ra một bộ quy tắc độc lập. Do đó ở một số quốc gia, Bộ quy tắc đã lặp lại các yếu tố từ các cấu phần khác của khuôn khổ pháp lý.

Quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam, giữa công ty luôn có sự phân hóa rất lớn, bên cạnh các doanh nghiệp có mức vốn lên đến 10.000 tỷ đồng – 20.000 tỷ đồng lại có những công công ty vốn chỉ 10 tỷ đồng, trong khi chi phí tuân thủ các quy định pháp lý là rất lớn.

Sau khi Luật Doanh nghiệp đưa ra những quy định chặt chẽ về quản trị công ty, áp dụng chung cho tất cả các công ty cổ phần, đã tạo ra một áp lực rất lớn về sự tuân thủ tại các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ. Thêm vào đó, với việc các công ty áp dụng mang tính mặt hình thức, hiệu quả của các quy định pháp lý trên đối với nhiều doanh nghiệp là không cao.

Do đó theo ông Hải, “cần thiết phải có những sự tiếp cận khác về quản trị thông ty, trong đó thay đổi phương thức tiếp cận từ cách quy định chế tài sang hướng tiếp cận mang tính thị trường, mềm mại hơn, linh hoạt hơn, phù hợp với mọi loại hình doanh nghiệp”./.

Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu tại hội thảo
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục