Thực hiện các biện pháp mạnh để bình ổn giá cả

Bộ trưởng Tài chính trả lời chất vấn khẳng định có đủ điều kiện và khả năng đảm bảo khống chế CPI năm 2010 trong mục tiêu Quốc hội đề ra.

Sáng 19/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 29, chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và bộ trưởng một số bộ liên quan về việc bình ổn giá, chống lạm phát; dự toán ngân sách; phát hành, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Đảm bảo khống chế lạm phát ở mức Quốc hội đề ra

Đánh giá công tác điều hành giá cả đối với một số mặt hàng trong thời gian qua, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp ổn định giá cả như bảo đảm đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra thiếu hàng, coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, chỉ số giá tiêu dùng hai tháng đầu năm 2010 (3,35%) là mức tăng hợp lý, bình thường, không đột biến và theo xu hướng biến động giá cả có tính quy luật hàng năm của Việt Nam.

Việc điều chỉnh giá điện bình quân năm 2010 tăng 6,8% so với năm 2009 sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,16%; tác động đến giá thành một số sản phẩm sử dụng nhiều điện từ 0,09-2,28% tùy theo từng ngành.

Việc điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện, chỉ tác động đến giá điện, không tác động trực tiếp đến giá các mặt hàng khác. Trong năm nay sẽ không điều chỉnh thêm giá điện, giá than bán cho sản xuất điện.

Giải trình trước băn khoăn của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển về khả năng đảm bảo kiềm giữ lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng quý 1/2010 tăng nhanh, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định Chính phủ đã thảo luận kỹ, tháng 1, tháng 2 thường có biến động giá cao hơn các tháng, nhưng không hề có bất thường so với các năm khác.

Nếu quản lý tốt, việc điều chỉnh giá điện, giá than trong thời gian qua sẽ tác động không đáng kể đến đời sống. Với người dân sử dụng ít điện, việc tăng giá điện không ảnh hưởng, nếu dùng nhiều điện thì ảnh hưởng cũng là không  lớn.

Khẳng định Việt Nam vẫn đủ điều kiện và khả năng đảm bảo khống chế chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 trong mục tiêu Quốc hội đề ra,. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích thêm, qua báo cáo của các địa phương, vào thời điểm hiện nay, giá cả hàng hóa bắt đầu nhích xuống.

Trong hai yếu tố chiếm tỷ trọng cao trong tính toán chỉ số giá tiêu dùng thì lương thực hiện không giảm nhiều, nhưng thực phẩm đã giảm nhiều. Do tác động điều chỉnh giá của Nhà nước đối với một số mặt hàng, biến động giá cả hàng hóa tuy có xu hướng xuống nhưng sẽ chậm.

Xung quanh việc tăng giá xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết Nghị định 84 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp tự điều chỉnh giá trong khung nhất định, trên cơ sở biến động giá thị trường và có sự giám sát của nhà nước.

Việc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam Petrolimex chiếm 70% thị trường, tuy chiếm tỷ trọng lớn nhưng không thể đánh giá là độc quyền. Qua kiểm tra, các đợt tăng giá vừa qua của doanh nghiệp là điều chỉnh đúng pháp luật và phù hợp với biến động thị trường.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang kiểm soát được giá xăng dầu và đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu từ nay đến tháng 6/2010, mọi quyết định điều chỉnh giá đều phải báo cáo và giãn cách về thời gian giữa các lần điều chỉnh giá.

Về câu hỏi của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc xung quanh việc Petrolimex hiện vẫn áp dụng quy định về định mức thất thoát theo chuẩn cũ, trong khi các doanh nghiệp khác đã áp dụng định mức mới phù hợp điều kiện khoa học kỹ thuật tiên tiến, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới, nên chắc chắn mức tiêu hao sẽ giảm so với trước, nhưng hiện nay bộ vẫn chưa có kết quả cụ thể về vấn đề này.

Trả lời đại biểu Đỗ Mạnh Hùng về vấn đề bội chi ngân sách, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết năm 2009, do suy giảm kinh tế, Chính phủ đã sử dụng gói kích cầu nên dẫn đến bội chi ngân sách có nhích lên.

Việc bội chi ngân sách tuy kích thích phát triển sản xuất nhưng cũng có thể gây ra tác động đến lạm phát.

Năm 2010, Chính phủ có kế hoạch giảm bội chi ngân sách bằng các biện pháp tăng cường phấn đấu công tác thu, kiểm soát chặt chẽ chi. Hiện nay, tổng dư nợ quốc gia vẫn trong ngưỡng an toàn, không có nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính.


Huy động và giải ngân có hiệu quả trái phiếu Chính phủ

Trước sự quan tâm Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Lê Quang Bình về vấn đề huy động, sử dụng trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận, trong năm 2008, 2009 và đầu năm 2010, việc huy động trái phiếu Chính phủ đã gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ đã áp dụng một loạt biện pháp để khắc phục vấn đề này và đã có những triển vọng tốt. Năm 2009 ngoài việc huy động trực tiếp còn có sự huy động quỹ nhàn rỗi của bảo hiểm xã hội, huy động tồn ngân kho bạc, bộ trưởng cho biết thêm.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cam kết sẽ đảm bảo nguồn vốn dành cho Dự án đường tuần tra biên giới và đường Trường Sơn Đông theo đúng kế hoạch Quốc hội duyệt và Chính phủ giao.

Cùng chung ý kiến này, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, sau Tết, hoạt động của các tổ chức tín dụng đã tăng trở lại 1,04%, tiền gửi dân cư tăng 8%. Vì vậy, có thể hy vọng, rằng trong thời gian tới, việc huy động trái phiếu Chính phủ sẽ thuận lợi hơn.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đồng ý với ý kiến của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng việc giải ngân trái phiếu Chính phủ chưa đạt tiến độ kế hoạch mà nguyên nhân không chỉ do công tác nghiệm thu, quyết toán công trình, dự án mà còn có cả lý do khác như khâu chuẩn bị các dự án chưa tốt.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết năm 2009, tổng huy động bằng hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ được 92.800 tỷ đồng, bằng 67,2% kế hoạch vốn giai đoạn 2003-2009.

Hai tháng đầu năm 2010, con số này là khoảng 5.000 tỷ đồng, xấp xỉ 9% nhu cầu vốn đầu tư phát triển của năm. Đến hết năm 2009, hoạt động giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ ước khoảng 118.600 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch vốn giai đoạn 2003-2009.

Kiểm soát việc định giá tài sản các doanh nghiệp khi cổ phần hóa

Trả lời câu hỏi của đại biểu về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trung bình hằng năm tăng khoảng 30% so với năm trước, lợi nhuận tăng khoảng 18-20%, nộp ngân sách tăng từ 50-65% so với năm trước liền kề.

Hiện đã có một số quy định mới về huy động vốn như đầu tư vào chứng khoán, bảo hiểm ngân hàng khống chế khoảng 20% vốn… tất cả các quy định mới về nội dung này đang được thực hiện nghiêm túc.

Về việc hỗ trợ lãi suất 4% chung cho các thành phần kinh tế trừ 1 số doanh nghiệp đặc thù, Bộ trưởng khẳng định việc hỗ trợ này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động được vốn, thực hiện ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đánh giá đây là biện pháp tác động đồng bộ với các giải pháp khác. Bộ trưởng cho biết, hiện Chính phủ chưa có chủ trương thu lại nguồn hỗ trợ lãi suất này.

Xung quanh vấn đề về cổ phần hóa doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2009, theo số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, cả nước đã sắp xếp được 5.532 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được hơn 3.900.

Thừa nhận tiến độ sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp trong năm 2009 chậm so với kế hoạch, Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân là một số doanh nghiệp thuộc diện sắp xếp, cổ phần hóa có quy mô vừa và lớn, nên phải thận trọng, việc phân tích tình hình tài chính, tài sản, các nguồn vốn và xác định giá trị doanh nghiệp mất nhiều thời gian.

Để đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa công ty nhà nước trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị nâng cao chất lượng công tác xác định giá trị của doanh nghiệp theo hướng phù hợp với giá thị trường, đổi mới chính sách bán cổ phần cho người lao động, tăng cường công tác quản lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Kết luận về phần trả lời chất của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá những nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề xã hội quan tâm và yêu cầu Bộ Tài chính cùng các bộ ngành hữu quan cần tiếp tục phối hợp để làm tốt chức năng tham mưu cho Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô./.

Xuân Khu-Quỳnh Hoa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục