Thuế tiêu dùng tăng ảnh hưởng đến doanh nghiệp Nhật Bản

Sau khi thuế tiêu dùng tăng lên 8%, doanh nghiệp Nhật đối mặt với việc lượng khách hàng sụt giảm trong khi khách hàng truyền thống lại thắt chặt chi tiêu.

Sau một tháng kể từ khi Chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ mức 5% lên 8%, nhiều doanh nghiệp kinh doanh của nước này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó thách thức lớn nhất là việc lượng khách hàng sụt giảm trong khi những khách hàng truyền thống lại ngày càng thắt chặt chi tiêu.

Báo cáo điều tra của tờ Nikkei cho biết ngay sau khi thuế tiêu dùng Nhật Bản tăng kể từ ngày 1/4, doanh thu của chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản Hyakkaten sụt giảm 10%. Các cửa hàng, siêu thị khác cũng thông báo doanh thu sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm trước, ở mức trên 20%.

Năm công ty hàng đầu thuộc hệ thống Hyakkaten như Mitsukoshi, Hankyu cho biết doanh thu trong tháng Tư vừa qua đã giảm gần 8%. Trong khi đó, các công ty khác như Sogo, Seibu có mức kinh doanh sụt giảm trên 10%. Kết quả sau một tuần thuế tiêu dùng tăng, bộ phận kinh doanh của chuỗi hệ thống này nhận định Hyakkaten rơi vào tình trạng kinh doanh tồi tệ với mức sụt giảm trên 20%. Tuy nhiên, Hyakkaten cho rằng tình hình sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Một trong những hệ thống bán đồ điện tử hàng đầu Nhật Bản Biccamera cho biết doanh thu trong tháng Tư cũng sụt giảm khoảng 10%. Trước đó trong tháng Ba, thời điểm trước khi thuế tiêu dùng mới có hiệu lực, các mặt hàng điện tử gia dụng như tủ lạnh, tivi có mức tiêu thụ tăng vọt, với mức trên 50%. Trong khi đó, các doanh nghiệp tiêu thụ ôtô Nhật Bản thông báo hoạt động kinh doanh xe mới trong tháng Tư sụt giảm khoảng 5,5%.

Bộ phận kinh doanh hệ thống Nishinetsu chuyên bán xe cho hãng Toyota cho biết lượng kinh doanh đã sụt giảm khá nhiều kể từ khi Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, dự kiến mức kinh doanh của hệ thống này sẽ được phục hồi bằng với mức của năm 2013.

Đối với các hệ thống tiêu thụ hàng thực phẩm, mức độ ảnh hưởng do thuế tiêu dùng tăng được giới hạn ở những mức độ nhất định, khoảng 10%. Tập đoàn Aeon cho biết kinh doanh của hãng đã sụt giảm mạnh, song dự kiến sẽ sớm phục hồi do nhu cầu của khách hàng là thường xuyên.

Trước thời điểm thuế tiêu dùng tăng, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu ở Nhật Bản tăng mạnh, đạt mức gần 40%. Các mặt hàng như quần áo, thiết bị gia đình vốn không phụ thuộc vào vấn đề hạn sử dụng, có mức tiêu thụ mạnh nhất. Điều này lý giải nguyên nhân một phần sức mua của người tiêu dùng Nhật Bản giảm sau khi thuế tăng.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế Nhật Bản vẫn lạc quan nhận định với tình hình môi trường lao động và thuế thu nhập được cải thiện, sức mua của người dân sẽ vẫn được bảo đảm và nhu cầu tiêu dùng đang dần quay trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục