Thuốc biệt dược: "Lập lờ hạn bảo hộ", gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng

Hiện nay, trên thị trường thuốc, những loại thuốc biệt dược gốc có giá từ vài triệu đến vài chục triệu không còn hiếm mà khá phổ biến.
Thuốc biệt dược: "Lập lờ hạn bảo hộ", gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng ảnh 1Đóng gói thuốc thành phẩm tại một công ty dược. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Hiện nay, tr​ên thị trường thuốc, những loại thuốc biệt dược gốc có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng không còn hiếm mà khá phổ biến.

Biệt dược gốc – loại thuốc đắt tiền với hiệu quả điều trị cao được nhiều bệnh viện lựa chọn. Tuy nhiên, qua khảo sát của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, nhiều loại thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền có sự chênh lệch rất lớn so với thuốc nhóm 1 (cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng), chênh nhau tới gần chục lần.

[Quyết liệt giảm chênh lệch giá thuốc giữa các vùng miền]

Biệt dược gốc thống lĩnh bệnh viện tuyến trên

Ngày 25/4, tại buổi cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, diễn ra chiều 25/4, tại Hà Nội, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, qua phân tích kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2016 của 59 tỉnh, thành phố và các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2016 có 8.371 mặt hàng thuốc trúng thầu vào các cơ sở y tế với tổng giá trị tiền thuốc là hơn 29.000 tỷ đồng.

Trong số này có khoảng 600 mặt hàng thuốc biệt dược gốc (tương ứng 300 hoạt chất) với tổng giá trị trúng thầu khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng giá trị tiền thuốc.

Bà Nguyễn Thị Yến - Phó trưởng Ban Dược và vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) - cho biết: “Các thuốc biệt dược gốc tham gia đấu thầu theo gói thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị do không có các thuốc cạnh tranh trong đấu thầu nên hầu hết đều trúng thầu với giá cao.”

Cũng theo bà Yến, tổng hợp trong năm 2016 cho thấy tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc trên cả nước ước tính chiếm khoảng 20- 23% trên tổng chi phí thuốc.

Tại các bệnh viện lớn, tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều. Điển hình như tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) tỷ lệ thuốc biệt dược gốc chiếm 45% và tỷ lệ này chiếm 50% tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Phân tích việc sử dụng biệt dược gốc năm 2016 đối với 30 loại biệt dược gốc (loại thuốc này đã có thuốc tương đương điều trị nhóm 1) có giá trị trúng thầu lớn, chiếm khoảng 30% tổng giá trị thuốc biệt dược gốc trúng thầu tại một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương và tại một số tỉnh.

Chẳng hạn như tại một số bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy – các bệnh viện đầu ngành tuyến cuối – tỷ lệ sử dụng đối với 30 thuốc này chiếm khoảng 24% tổng chi phí thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai và gần 11% tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngoài ra, trong nhóm biệt dược có thì có 30 loại thuốc đã chiếm tới 30% tổng số giá trị thuốc biệt dược trúng thầu. Tại một số BV tuyến cuối, tỷ lệ sử dụng các loại thuốc này chiếm khá cao, từ 11-24% tổng số chi phí thuốc.

Trong khi đó, tại một số địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên... tỷ lệ 30 biệt dược được dùng nhiều nhất chiếm 2-6% tổng chi phí thuốc. Còn tại các tỉnh như Nam Định, Lào Cai, Hà Nam, Sơn La,Thái Bình tỷ lệ sử dụng 30 loại biệt dược gốc trên chỉ chiếm 1-2% tổng chi phí thuốc.

Sớm thông báo danh mục biệt dược gốc hết hạn bảo hộ

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) hiện có 698 thuốc biệt dược gốc trong số này có 447 thuốc hết hạn bảo hộ độc quyền. Đối với số thuốc hết hạn bảo hộ có 81 thuốc đã có từ 3 số đăng ký ở nhóm 1; 185 thuốc có 2 số đăng ký ở nhóm 1.

Thuốc biệt dược: "Lập lờ hạn bảo hộ", gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng ảnh 2Bà Nguyễn Thị Yến - Phó trưởng Ban Dược và vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam). (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Bà Yến phân tích: “Các thuốc biệt dược gốc tham gia đấu thầu theo gói thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị, do không có các thuốc cạnh tranh trong đấu thầu nên hầu hết đều trúng thầu, giá thuốc cao. Một số thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ được quyền sáng chế, có giá chênh lệch khá lớn so với các thuốc nhóm 1 cùng hoạt chất, cùng nồng độ, hàm lượng trên thị trường.”

Vị đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, qua khảo sát cho thấy nhiều loại thuốc biệt dược gốc có sự chênh lệch rất lớn so với thuốc nhóm 1.

Chẳng hạn như thuốc tiêm Ceftriaxon 1g - biệt dược gốc với tên thương mại là Rocephin giá trúng thầu tại các hội đồng đấu thầu là hơn 181.440 đồng/lọ, trong khi thuốc cùng loại, nhóm 1 có 10 số đăng ký giá trúng thầu trung bình chỉ hơn 24.414 đồng/lọ (chênh khoảng 7 lần).

Thuốc Meropenem 1g, tiêm có tên thương mại là Meronem, trúng thầu tại các hội đồng đấu thầu là 700.306 đồng/lọ, trong khi thuốc Meropenem 1g ở nhóm 1 có 4 số đăng ký trúng thầu tại các hội đồng đấu thầu, giá trúng thầu thuốc nhóm 1 trung bình là: 296.000 đồng/lọ.

Thuốc Paclitaxel 100ng – thuốc biệt dược gốc có tên thương mại là Anzatax Inj 100 mg, giá trúng thầu tại các hội đồng đấu thuầ là gần 4 triệu đồng/lọ, trongh khi thuốc Paclitaxel 100ng thuộc nhóm 1 có 3 số đăng ký trúng thầu với giá trung bình 871.000 đồng/lọ.

Thuốc Oxaliplatin 100 mg, tên thương mại Eloxatin, giá trúng thầu hơn 3,9 triệu đồng/lọ, trong khi thuốc này nhóm 1 có 7 số đăng ký trúng thầu tại các Hội đồng đấu thầu, giá trúng thầu thuốc nhóm 1 trung bình là 871.000 đồng/lọ.

Về hiệu quả điều trị, bà Yến cũng thừa nhận thuốc biệt dược gốc là thuốc tốt nhất hiện nay nhưng đích đến hiện nay là Bộ Y tế cần có cơ chế đấu thầu để giảm giá biệt dược xuống, để người dân được dùng biệt dược gốc, đảm bảo chi phí hợp lý.

“Nếu Bộ Y tế có biện pháp quản lý chặt chẽ về giá đối với các thuốc biệt dược gốc có thể tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng. Điển hình như việc chỉ có thay đổi cơ chế một lần đấu thầu, chuyển từ Thông tư 10 sang Thông tư 01, giá thuốc đã giảm bình quân khoảng 35%, nên việc Chính Phủ chỉ đạo đưa giá biệt dược gốc cân nhắc để đấu thầu với nhóm 1 là việc làm cần thiết, tiên lượng sẽ tiết kiệm được rất nhiều tỷ đồng ”- bà Yến khẳng định.

Vì vậy, tại cuộc họp, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế sớm thông báo danh mục biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét, đề xuất, thống nhất cơ cấu mua sắm sử dụng thuốc biệt dược gốc và thuốc nhóm 1 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo bà Yến, nếu thay đổi về quy định thì giá biệt dược gốc hết hạn bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ rẻ hơn rất nhiều, người bệnh sẽ được lợi vì được dùng thuốc tốt với giá hợp lý./.

Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nói về thuốc biệt dược.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục