Thương chiến Mỹ-Trung tác động mạnh tới xuất khẩu của Việt Nam

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp khó khăn, thậm chí không còn lãi trong trường hợp đồng nhân dân tệ bị phá giá do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Chế biến hoa quả xuất khẩu tại Long An. (Ảnh: TTXVN)
Chế biến hoa quả xuất khẩu tại Long An. (Ảnh: TTXVN)

Từ 1/9 tới, Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngay sau tuyên bố bất ngờ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng nhân dân tệ mất giá mạnh.

Theo ông Phạm Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại-chuyên gia, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương, điều này sẽ tác động không nhỏ tới xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Phạm Tất Thắng, biểu hiện của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc theo xu thế đang mở rộng và leo thang.

Đặc biệt, từ cuộc chiến tranh thương mại đến nay đã lan sang cuộc chiến tranh công nghệ và bây giờ bước sang cuộc chiến tranh tiền tệ.

Trung Quốc đã tiếp tục tung đòn hạ giá đồng nhân dân tệ, thậm chí là phá giá để giảm bớt sự tác động do bị đánh thuế.

Trước động thái này, ông Phạm Tất Thắng cho rằng, nếu như ông Donald Trump đánh thuế 10% lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ mà đồng tiền nhân dân tệ lại phá giá 10% thì coi như là hòa.

Ngày 5/8, tại thị trường Trung Quốc, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm mức thấp nhất kể từ tháng 8/2010 so với USD xuống còn 7,1085 nhân dân tệ/USD.

Diễn biến này xảy ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) điều chỉnh tỷ giá trung tâm ở mức 6,9225 nhân dân tệ/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.

Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến thị trường thế giới, trong đó có thị trường Việt Nam.

Sở dĩ như vậy bởi số lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc rất lớn. Do đó, nếu đồng nhân dân tệ phá giá thì việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ khó khăn hơn và thậm chí không còn lãi.

[Infographics] 7 tháng: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vượt 23 tỷ USD

Đây là điều doanh nghiệp cần phải tính toán và chuyển hướng sang xuất khẩu vào thị trường khác mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là thị trường thuộc khối Liên minh kinh tế Á-Âu.

Hơn nữa, ở chừng mực nào đó, Việt Nam được phép giao dịch bằng đồng nhân dân tệ tại một số tỉnh biên giới.

Tuy nhiên, khi đồng tiền này phá giá, giá trị đồng Việt Nam tăng lên khiến việc tiêu thụ hàng hóa đồng nghĩa với việc giảm lãi.

Ngoài ra, ở một số lĩnh vực đầu tư được tính bằng giá trị đồng nhân dân tệ nhưng do đồng nhân dân tệ giảm giá nên việc đầu tư sẽ không hiệu quả, lợi nhuận sẽ không cao.

Ông Thắng cho hay, đây là những vấn đề cần lưu tâm nhưng điều quan trọng nhất là Việt Nam không để cuộc chiến tranh tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ của Việt Nam.

Điều này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải theo dõi rất sát sao để đảm bảo quan hệ tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam với các đồng tiền khác trên thế giới không tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam.

Nhằm khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể tiếp tục kéo dài và leo thang, ông Phạm Tất Thắng cho rằng: "Hiện tại khó dự đoán xu hướng của cuộc chiến tranh này như thế nào. Bởi, nếu dựa theo biểu hiện của mấy ngày gần đây thì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc ngày càng leo thang và mở rộng sang lĩnh vực khác."

Điều này sẽ dẫn đến quan hệ cung cầu trên thị trường thế giới thay đổi gây ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia, nhất là quốc gia nào dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư.

Mặt khác, gần đây một số hãng nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam đã vi phạm về xuất xứ hàng hóa và ghi nhãn mác bao bì là "Made in Vietnam" nhằm trốn thuế.

Điều này rất nguy hiểm với Việt Nam bởi khi bị phát hiện, Việt Nam sẽ bị phạt mức thuế chống lẩn tránh và sẽ thiệt hại lớn.

Khi đó không chỉ ngành hàng bị phạt thuế mà còn ảnh hưởng xấu đến nhiều ngành hàng khác nữa khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Vì vậy, Chính phủ cũng như các bộ ngành chức năng, các Hiệp hội và doanh nghiệp tuyệt đối không để hàng Trung Quốc núp bóng "Made in Vietnam" để xuất khẩu sang Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục