Thương mại biên giới năm 2016 dự kiến đạt khoảng 30 tỷ USD

Với những yếu tố hỗ trợ hoạt động kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia, dự kiến thương mại biên giới năm 2016 đạt 30 tỷ USD.
Thương mại biên giới năm 2016 dự kiến đạt khoảng 30 tỷ USD ảnh 1Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị). (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Với những yếu tố hỗ trợ cho hoạt động kinh tế giữa Việt Nam và các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia trong năm 2016, dự kiến thương mại biên giới sẽ thuận lợi hơn so với năm 2015. Dự báo thương mại biên giới qua các cửa khẩu đến năm 2016 đạt khoảng 30 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã khẳng định như vậy tại Hội nghị Phát triển thương mại biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo do Bộ Công Thương tổ chức sáng 5/1, tại Hà Nội.


Hỗ trợ tiềm năng

Theo ông Hoàng Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương), với lợi thế địa lý-kinh tế có chung 4.510km đường biên giới đất liền với ba nước Trung Quốc, Lào, Campuchia trải dài qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam giáp với 2 tỉnh biên giới của Trung Quốc, 10 tỉnh biên giới của Lào, 9 tỉnh biên giới của Campuchia và hàng chục cặp cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu cùng việc thực hiện các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác thương mại qua biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới đã đạt được kết quả đáng khích lệ.

Ông Hoàng Minh Tuấn hồ hởi chia sẻ, thời gian qua Việt Nam đã khai thác được mối quan hệ và tận dụng được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của các tỉnh biên giới, góp phần đẩy mạnh quan hệ thương mại qua biên giới với các nước có chung biên giới phát triển.

Cùng với đó, các Hiệp định về thương mại cùng với hệ thống pháp luật về thương mại, cơ chế, chính sách thương mại qua biên giới cơ bản đã được ban hành, thực sự là công cụ quan trọng quản lý, điều hành hoạt động thương mại qua biên giới đi đúng hướng và thúc đẩy xuất nhập khẩu qua biên giới phát triển.

Việt Nam cũng đã khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện hoạt động thương mại qua biên giới, quyền kinh doanh xuất nhập khẩu qua biên giới ngày càng mở rộng đối với tất cả các loại sản phẩm, hàng hoá trừ các hàng hoá thuộc Danh mục mặt hàng cấm xuất nhập khẩu.

Không những thế, Việt Nam cũng đã từng bước hợp tác với các nước có chung biên giới hoàn thiện các thủ tục hải quan, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới theo hướng đơn giản hoá, thống nhất hoá, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ theo các thông lệ quốc tế.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2015 thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện và nâng cao rõ rệt đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đồng bào dân tộc, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao dân trí.

Điều này thể hiện rõ qua tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu biên giới đạt 27,56 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2014. Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc chiếm 85%, tuyến biên giới Việt- Lào chiếm khoảng 4% và tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia chiếm 11%.

Tính đến tháng 12/2015 đã có 8.718 chợ, riêng tại địa bàn nông thôn; trong đó có địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số có 6.596 chợ, chiếm 76,98% tổng số chợ của cả nước, góp phần thúc đẩy thương mại, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc. Đặc biệt một số địa phương đã tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kênh phân phối hàng hóa đến các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và hải đảo.


Tận dụng hiệu quả

Tuy nhiên, thương mại biên giới vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế phát triển của Việt Nam với các nước có chung biên giới.

Đại diện của tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, hạ tầng của các tỉnh biên giới miền núi còn hết sức khó khăn, xa trung tâm kinh tế của vùng và cả nước.

Không những vậy mà các công trình như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ cửa khẩu chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp 4, cấp 5 miền núi, cước phí vận chuyển cao. Trong khi đó hạ tầng kỹ thuật, trung tâm thương mại, chợ cửa khẩu, kho tàng bến bãi bên phía Trung Quốc lại được đầu tư hoàn thiện. Nhiều tuyến đường cao tốc, đường sắt cũng đã được đầu tư đến các cửa khẩu chính.

Sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương hai nước là trở ngại giữa các hoạt động hợp tác bảo đảm tính bình đẳng trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa hai bên.

Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu phụ thuộc vào thị trường và chính sách điều tiết của phía Trung Quốc nên luôn ở thế bị động và thiếu tính ổn định. Đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu phụ, lối mở phía Việt Nam chưa đầu tư nên ảnh hưởng đến các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Do vậy, để tăng cường khai thác tối đa về phát triển thương mại biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, đại biểu các tỉnh vùng biên đề xuất các Bộ ngành chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ tại các khu vực của khẩu giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương biên giới.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, Bộ Công Thương, tới đây cần thúc đẩy đàm phán với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam về việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại biên giới trong giai đoạn hiện nay.

Cùng đó, sớm nghiên cứu đề án thành lập Hiệp hội kinh doanh biên mậu để đảm bảo quyền lợi cho các thương nhân của Việt Nam trong kinh doanh với Trung Quốc và các nước láng giềng, hạn chế tình trạng thường xuyên bị thua thiệt, ép giá, ép cấp do hoạt động thương mại biên giới là hoạt động đặc thù, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại biên giới của Việt Nam luôn bị động và phụ thuộc nhiều vào điều tiết từ phía Trung Quốc.

"Đặc biệt sẽ tiến hành ký kết Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc trong năm 2016 để thay thế Hiệp định năm 1998. Ngoài ra, cụ thể hóa những hợp tác chính sách nhằm thực hiện hiện có hiệu quả Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam-Lào và Hiệp định thương mại Việt Nam-Lào trong năm 2016," Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết.

Cơ hội và thách thức luôn đan xen nhau, do đó muốn tranh thủ được cơ hội, tận dụng hiệu quả được những lợi thế về địa lý, về cơ chế thương mại qua biên giới đặc thù và hạn chế những mặt tiêu cực khi quan hệ buôn bán với các nước có chung biên giới thì Việt Nam cần tiếp tục đổi mới một cách mạnh mẽ công tác quản lý nhà nước về thương mại nói chung và thương mại qua biên giới nói riêng trong thời gian tới theo phương châm ổn định, hợp tác, phát triển. Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục