Thượng viện Italy thông qua luật cải cách lao động gây tranh cãi

Với đa số phiếu tán thành, Thượng viện Italy đã thông qua luật cải cách lao động, một tuần sau Hạ viện nước này bỏ phiếu chấp thuận dự luật này.
Thượng viện Italy thông qua luật cải cách lao động gây tranh cãi ảnh 1Một cuộc biểu tình của các nghiệp đoàn Italy phản đối luật cải cách lao động ở Rome hồi tháng 10. (Nguồn: AFP)

Với 166 phiếu thuận, 112 phiếu chống và 1 phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, ngày 3/12, Thượng viện Italy đã thông qua luật cải cách lao động, một tuần sau Hạ viện nước này bỏ phiếu chấp thuận dự luật và chuyển lên Thượng viện xem xét lần cuối.

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, Thủ tướng Matteo Renzi và Chính phủ Italy đã gần như đánh cược sinh mệnh chính trị của mình vào luật cải cách lao động mà họ gọi là Jobs Act này.

Dự luật, với việc sửa đổi điều 18 của Luật Lao động được thông qua năm 1970, hủy bỏ quy chế bảo vệ người lao động bị sa thải một cách bất hợp lý, đã là tâm điểm phản đối của các nghiệp đoàn lao động lớn nhất Italy, dẫn đến một loạt các cuộc biểu tình và tổng bãi công mạnh mẽ chống chính phủ trong gần hai tháng qua trên toàn quốc.

Thủ tướng Renzi cho rằng cần phải thay đổi điều luật này vì nó khiến cho các doanh nghiệp không thể "giải thoát" được các nhân công không cần thiết, ngăn cản đầu tư nước ngoài vào Italy và làm gia tăng tình trạng lao động hợp đồng bấp bênh.

Bất chấp tỷ lệ ủng hộ của cử tri vào chính phủ và Thủ tướng Renzi ngày càng xuống thấp, chính phủ đã thúc đẩy dự luật này nhanh chóng được ban hành bằng cách đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm và đã thành công, trong hoàn cảnh nội bộ của đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền ngày càng chia rẽ.

Tuần trước, 40 nghị sỹ của Pd đã rời khỏi Hạ viện trước phiên bỏ phiếu để phản đối.

Trong thời gian Thượng viện chuẩn bị bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ, sinh viên và người biểu tình chống chính phủ đã xô xát dữ dội với cảnh sát ở nhiều nơi tại Italy, khiến nhiều người bị thương.

Trên trang Twitter của mình, Thủ tướng Renzi đã ca ngợi chiến thắng này của chính phủ, khẳng định rằng, "Italy chắc chắn sẽ thay đổi. Chúng ta đang tiến về phía trước."

Trong các phát biểu của mình, ông tuyên bố cải cách lao động sẽ thúc đẩy thị trường lao động, khuyến khích các doanh nghiệp thuê nhân công bằng các hợp đồng có thời hạn và giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp, hiện đã ở mức kỷ lục 13,2%, tính đến tháng 10-2014.

Về phần mình, các nghiệp đoàn lao động và nhóm thiểu số các nghị sỹ Pd chống đối cho rằng, cải cách lao động sẽ chỉ làm cho số phận của người lao động trở nên bấp bênh hơn và có nguy cơ dẫn đến việc có thêm nhiều người thất nghiệp, do các doanh nghiệp đã có cơ sở để sa thải họ một cách có hệ thống.

Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu và các cơ quan tài chính quốc tế ủng hộ cải cách lao động của Thủ tướng Renzi, cho rằng, cải cách này có thể tạo điều kiện cho Italy thu hút nhiều hơn nữa đầu tư từ nước ngoài, khi khuyến khích các tập đoàn thuê mướn nhân công trên thị trường Italy một cách dễ dàng hơn.

Thủ tướng Renzi cũng khẳng định rằng ngoài việc dùng cải cách lao động để cơ cấu lại thị trường lao động, chính phủ cũng sẽ sử dụng các "biện pháp bất thường" để tạo việc làm, nhất là ở miền Nam Italy, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục