Thượng viện Mỹ đồng ý thảo luận về quyền đàm phán nhanh

Ngày 14/5, các Thượng nghị sỹ Mỹ đã đồng ý đưa dự luật “Quyền thúc đẩy thương mại” (TPA), hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh, ra thảo luận trước Thượng viện.
Thượng viện Mỹ đồng ý thảo luận về quyền đàm phán nhanh ảnh 1Các thượng nghị sỹ Mỹ tại một phiên họp Thượng viện ở thủ đô Washington ngày 14/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một động thái được coi là có ý nghĩa “phá băng” trong tiến trình thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang theo đuổi, ngày 14/5, các Thượng nghị sỹ Mỹ đã đồng ý đưa dự luật “Quyền thúc đẩy thương mại” (TPA), hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh, ra thảo luận trước Thượng viện.

Phóng viên TTXVN tại Washington cho biết hai ngày sau khi các Thượng nghị sỹ Dân chủ ngăn chặn mở cuộc thảo luận về TPA, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu với kết quả 65 phiếu thuận và 33 phiếu chống, vượt qua ngưỡng 60 phiếu cần thiết theo luật định để đưa dự luật TPA ra tranh luận chính thức.

Kết quả khá bất ngờ này có được nhờ thỏa hiệp đạt được trước đó một ngày giữa các Thượng nghị sỹ Cộng hòa và Dân chủ. Theo đó, phe Cộng hòa đồng ý với đề nghị của các đồng nghiệp đảng Dân chủ bổ sung một điều khoản về chương trình trợ cấp cho những người lao động có thể bị mất việc làm vì TPP.

Đổi lại, nhóm các nghị sỹ phản đối TPP thuộc đảng Dân chủ đồng ý tiến hành các cuộc bỏ phiếu riêng rẽ đối với hai dự luật mà trước đó họ muốn gộp vào một gói với TPA, bao gồm một dự luật trừng phạt các quốc gia thao túng tiền tệ và một dự luật về việc gia hạn Đạo luật Cơ hội và tăng trưởng châu Phi (AGOA).

Sau khi dự luật chống thao túng tiền tệ được Thượng viện thông qua ngày 14/5 với tỷ lệ 78 phiếu thuận và 20 phiếu chống, 13 trong số 44 nhà lập pháp Dân chủ tại Thượng viện đã “đáp lễ” bằng việc đồng ý việc đưa TPA ra thảo luận.

Dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ bắt đầu thảo luận về TPA trong tuần tới và một khi dự luật này được Thượng viện thông qua, Hạ viện sẽ thảo luận vào tháng 6, nơi “cuộc chiến” được dự đoán sẽ căng thẳng.

Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng dự luật TPA có thể sẽ được điều chỉnh và các nghị sỹ Dân chủ nhiều khả năng sẽ tìm cách yêu cầu tiến hành thêm các cuộc bỏ phiếu về vấn đề thao túng tiền tệ cũng như việc bảo vệ người lao động và môi trường, hay một số vấn đề khác.

Tuy nhiên, những người ủng hộ TPA bày tỏ tin tưởng kết quả bỏ phiếu ngày 14/5 sẽ “mở đường” cho việc thông qua TPA và trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống.

Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, dự luật TPA sẽ trao cho Tổng thống Obama quyền đàm phán nhanh trong vòng 6 năm để có toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của hiệp định TPP với 11 quốc gia đối tác.

Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản trong hiệp định TPP. Giới phân tích đánh giá giành quyền TPA là một “cuộc chiến” cam go của Nhà Trắng, đồng thời cuộc chiến này cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Dân chủ nắm quyền hành pháp.

Tới nay, các cuộc đàm phán về TPP gần như đã hoàn tất, song các đối tác thương mại của Mỹ cho biết họ muốn thấy Chính quyền Obama có được TPA trước khi hoàn tất hiệp định, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Obama trước khi rời Nhà Trắng vào đầu năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục