Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự án Luật Bầu cử

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo làm rõ lý do không lập Ban bầu cử cấp xã; nhóm các quy định đảm bảo quyền, quy trình tự ứng cử.
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự án Luật Bầu cử ảnh 1Cử tri đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 14/8, trong buổi thảo luận tại Phiên họp thứ 30, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục ghi nhận và phát triển quyền bầu cử với tư cách là quyền chính trị cơ bản của công dân. Đặc biệt là Hiến pháp đã quy định Hội đồng bầu cử quốc gia - cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức việc bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ đạo, hướng dẫn việc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các luật về bầu cử hiện hành để cụ thể hóa quy định mới này.

Trên cơ sở đó, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được xây dựng nhằm tiếp tục bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền bầu cử, ứng cử của mình; phát huy dân chủ, hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; bảo đảm sự phù hợp của Luật với Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự thảo luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đã kế thừa và phát triển các quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, các văn bản hướng dẫn thực hiện cuộc bầu cử của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những nội dung mới chủ yếu là quy định về về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia; sửa đổi một số quy định hạn chế, bất cập liên quan đến quy trình, thủ tục trong bầu cử; pháp điển hóa một số nội dung trong hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2011.

Góp ý tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo làm rõ về lý do không thành lập Ban bầu cử cấp xã; nhóm các quy định đảm bảo quyền và quy trình tự ứng cử.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc tổ chức bầu cử các cấp tại các đơn vị hành chính đặc thù; vấn đề về thời gian bắt đầu, kết thúc bầu cử, cần lưu ý những trường hợp ở những địa điểm mà cử tri vãng lai là chủ yếu, cử tri đăng ký có ít ví dụ như sân bay, nhà ga..

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo cần rà soát kỹ dự thảo theo hướng phát huy thành tựu của các văn bản pháp luật trước đó về lĩnh vực này; nghiên cứu kỹ vấn quy định điều kiện đối với người muốn tự ứng cử; chú trọng khâu thẩm tra lý lịch, hồ sơ người tự ứng cử…

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về mẫu báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm về việc thực hiện các nội dung quy định tại Điều 5 của Nghị quyết 35/2012/QH13./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục