Tích cực đưa mối quan hệ quốc tế vào chiều sâu

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình cho rằng Việt Nam cần tích cực đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu.
Về dự Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình mang theo nhiều tâm tư, nguyện vọng và niềm tin tưởng vào tương lai phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Đại sứ đã chia sẻ về những kiến nghị, đề xuất, góp phần tăng cường hơn nữa hoạt động đối ngoại, nhất là các hoạt động ngoại giao phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế đất nước.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Về dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, cũng là thời điểm đất nước bước vào một mùa Xuân mới - Xuân Tân Mão 2011, Đại sứ có dự cảm gì về tương lai phát triển của đất nước?

Đại sứ Nguyễn Phú Bình: Tôi cảm thấy rất phấn khởi, tự hào, tin tưởng, mặc dù vẫn còn đó những băn khoăn, lo lắng. Phấn khởi vì nước ta vừa trải qua một năm đầy thử thách nhưng cũng rất vinh quang. Năm 2010 kinh tế tăng trưởng 6,82% và hầu hết chỉ tiêu kế hoạch đã hoàn thành. Vị thế quốc tế của Việt Nam được củng cố vững chắc và được nâng cao sau một năm đầy sôi động với nhiều hoạt động đối ngoại rất quan trọng, nổi bật là nước ta đã đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN rất thành công. Tự hào vì nước ta đã trải qua một chặng đường dài 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), hoàn thành thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010 và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội 2006-2010, với tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng 1929-1933.

Không những thế, Việt Nam đã chính thức bước ra khỏi danh sách những nước nghèo nhất để gia nhập nhóm nước có trình độ phát triển và mức sống trung bình (với GDP trên 1.000 USD/người).

Với khí thế đó, chúng ta bước vào năm mới, cũng là bước vào kế hoạch 5 năm mới (2011-2015) với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Mặc dù không tránh khỏi lo lắng vì những thành tựu trên chưa toàn diện, chưa bền vững, nền kinh tế chưa đạt được cân đối vĩ mô, dễ bị tổn hại do những tác động khách quan như tình hình kinh tế thế giới, thiên tai… nhưng chúng ta tin tưởng rằng, với bản lĩnh và kinh nghiệm dày dạn của Đảng, biết rút ra các bài học từ những khuyết điểm, Việt Nam sẽ vững bước đi lên, thực hiện thành công kế hoạch 5 năm (2011-2015) và chiến lược kinh tế-xã hội 2011-2020.

- Đại hội XI của Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng, đề ra các chủ trương, đường lối phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tiếp theo và tầm nhìn đến giữa thế kỷ 21. Đại sứ có kiến nghị, đề xuất gì để góp phần vào việc hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn mới?

- Đại sứ Nguyễn Phú Bình:
Thời gian qua, thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã xây dựng được các mối quan hệ song phương, đa phương, đều và rộng khắp, khẳng định được vị thế vững chắc ở khu vực và trên trường quốc tế, thiết thực phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, chủ quyền và sự phát triển của nước ta, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, tích cực đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu. Việt Nam đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ với nhiều nước, nhiều đối tác, trong đó có các nước láng giềng, các nước lớn, đặc biệt đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với nhiều đối tác quan trọng. Bởi vậy, cần xác định nội dung cụ thể cho các khuôn khổ quan hệ với từng đối tác. Đặc biệt, cần cụ thể hóa nội hàm quan hệ đối tác chiến lược đối với từng đối tác, trong đó xác định rõ những tiềm năng, thế mạnh và lợi ích bổ sung lẫn nhau, tạo nên sự gắn kết lâu dài và ổn định về lợi ích giữa nước ta và các đối tác đó.

Việc tăng cường và củng cố quan hệ với ASEAN cần được coi là ưu tiên hàng đầu; đồng thời phải tích cực, chủ động đưa quan hệ song phương với các nước ASEAN và góp phần làm cho các hoạt động của ASEAN đi vào thực chất, hiệu quả hơn, trực tiếp phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Tích cực và chủ động hơn nữa để củng cố các cơ chế hợp tác chính trị-an ninh song phương và đa phương, làm cho các cơ chế này hoạt động thường xuyên và hiệu quả hơn, tạo nên sự gắn kết với nhau về lợi ích an ninh.

Trên cơ sở quy chế thống nhất quản lý đối ngoại, cần có sự phối hợp thường xuyên, nhịp nhàng và kịp thời giữa các cơ quan quản lý lĩnh vực đối nội và đối ngoại, giữa kinh tế với đối ngoại, giữa quốc phòng-an ninh với đối ngoại, để tạo nên sự thống nhất về chủ trương và biện pháp đối với những tình huống và vấn đề cụ thể.

- Thưa Đại sứ, trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa ngoại giao kinh tế cần chú trọng những vấn đề gì?


Đại sứ Nguyễn Phú Bình: Công tác ngoại giao kinh tế là các hoạt động ngoại giao phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, để các hoạt động này thực sự có hiệu quả, cần tạo môi trường đầu tư, thương mại và hoạt động kinh tế trong nước lành mạnh và thông thoáng hơn, trên cơ sở luật pháp và quy định minh bạch, rõ ràng, cũng như những cam kết của ta đối với WTO, các thỏa thuận đa phương và song phương khác, kiên quyết loại trừ các trở ngại như thủ tục quan liêu, giấy tờ, tình trạng nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý các cấp.

Cần có chủ trương và biện pháp tháo gỡ những vướng mắc về vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Cần xác định những yêu cầu cụ thể về hợp tác kinh tế với từng đối tượng, đối tác cụ thể, trên cơ sở đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của mỗi đối tác; từ đó mới xác định cụ thể những yêu cầu và biện pháp phù hợp cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, vận động ODA phù hợp, tuyệt đối tránh các hoạt động chung chung, kém hiệu quả, lãng phí.

Lực lượng lao động dồi dào, nhất là cơ cấu “dân số vàng” là một trong các thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó chỉ trở thành hiện thực nếu những người lao động được đào tạo và tổ chức thành đội ngũ có trình độ, tay nghề cao và có ý thức kỷ luật lao động; nếu không sẽ trở thành gánh nặng cho đất nước. Vì vậy, mỗi lĩnh vực kinh tế, mỗi ngành nghề, cần sớm có quy hoạch về đào tạo đội ngũ lao động phù hợp với kế hoạch và quy hoạch kinh tế, sản xuất...

Cần có cơ chế của Chính phủ để xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trong quan hệ kinh tế với các nước, cũng như trong việc lựa chọn đối tác cho các dự án, công trình mang tính chiến lược.

- Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Trực tiếp phụ trách địa bàn này, Đại sứ có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm về việc phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, khi mà các vụ tranh chấp thương mại liên quan đến hàng hóa Việt Nam ngày càng gia tăng?

- Đại sứ Nguyễn Phú Bình: Từ thực tiễn công tác, tôi nhận thấy cần tập trung làm tốt một số việc sau đây: Theo dõi, nghiên cứu, tìm hiểu môi trường, điều kiện hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thương mại của nước sở tại, những vấn đề luật pháp, quy định liên quan để thông tin, phổ biến cho các doanh nghiệp trong nước thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể doanh nghiệp trong nước.

Phát hiện kịp thời các vụ việc và các nguyên nhân thực chất, đề xuất các chủ trương sơ bộ cho các cơ quan có thẩm quyền trong nước, thiết lập cơ chế hoặc mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ quan đại diện ngoại giao ngoài nước với các cơ quan trong nước để phối hợp xử lý.

Nghiên cứu, tìm hiểu các nội dung liên quan đến vụ việc phát sinh trong các quy định luật pháp nước sở tại, trong quy định của WTO, trong các hiệp định, thỏa thuận giữa nước sở tại với Việt Nam, có so sánh với các hiệp định, thỏa thuận mà nước sở tại hoặc Việt Nam ký kết với các nước khác, từ đó tìm ra những khả năng, biện pháp bảo vệ các doanh nghiệp ta.

Xây dựng mối quan hệ hợp tác thường xuyên với các cơ quan, tổ chức có liên quan đến kinh tế của nước sở tại, các tổ chức, cá nhân, kể cả các chuyên gia Việt kiều trong các lĩnh vực nghiên cứu kinh tế, pháp luật để tranh thủ các ý kiến tư vấn của họ trong việc xử lý các vụ việc.

Quan hệ kinh tế càng nhiều thì khả năng nảy sinh các vụ việc tranh chấp thương mại càng nhiều. Để hạn chế việc nảy sinh tranh chấp và cũng để các cơ quan đại diện ngoại giao ta làm tốt vai trò bảo vệ pháp nhân và công dân Việt Nam, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt Nam cần có cách làm ăn bài bản, có tổ chức, vì lợi ích lâu dài, giữ gìn chữ “tín”, giữ gìn uy tín của thương hiệu Việt Nam và đất nước Việt Nam, triệt để tôn trọng các cam kết, các quy định pháp luật quốc gia và quốc tế, trong đó có các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (đối với nông, hải sản, thực phẩm).../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục