Tích cực nâng chất lượng thông tin tuyên truyền đối ngoại

Theo ông Phạm Văn Linh, trong những năm vừa qua, công tác thông tin đối ngoại được tổ chức bài bản, đi vào thực chất hơn; nội dung phong phú.
Tích cực nâng chất lượng thông tin tuyên truyền đối ngoại ảnh 1Bản tin nhạc rap về Biển Đông đa ngữ của Báo điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 27/5 tới sẽ diễn ra Lễ trao “Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ nhất-năm 2014” thuộc lĩnh vực báo chí.

Đây là lần đầu tiên Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại tổ chức Giải thưởng trên quy mô toàn quốc nhằm ghi nhận và tôn vinh những tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại.

Nhân dịp này, ông Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại đã trao đổi với phóng viên TTXVN về những nội dung liên quan đến Giải thưởng.

- Lần đầu tiên, Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại được tổ chức trên quy mô toàn quốc, xin Ông cho biết, việc tổ chức Giải thưởng có ý nghĩa như thế nào trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại?


Ông Phạm Văn Linh
: Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền về tư tưởng của Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam; thông tin về tình hình trong nước, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực; thông tin về tình hình thế giới cho nhân dân trong nước; đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch với Việt Nam.

Trong những năm vừa qua, công tác thông tin đối ngoại đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Nhận thức về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại ngày càng được nâng cao. Các hoạt động thông tin đối ngoại đã được tổ chức bài bản, đi vào thực chất hơn; nội dung thông tin đã phong phú và kịp thời hơn; phương thức hoạt động đã có sự đổi mới, linh hoạt hơn.

Các lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại được tăng cường, đông đảo và đa dạng hơn. Đối tượng, địa bàn hoạt động ngày càng được mở rộng; hiệu quả đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch được nâng cao một bước.

Hoạt động thông tin đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị-xã hội; củng cố và mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch nước ngoài; tăng cường gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhằm ghi nhận những bước tiến quan trọng của công tác thông tin đối ngoại thời gian qua, tôn vinh và khích lệ các cá nhân, tập thể cơ quan báo chí trong lĩnh vực này, lần đầu tiên tại Việt Nam, một giải thưởng về thông tin đối ngoại được Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại tổ chức trên quy mô toàn quốc.

Giải thưởng được tổ chức nhằm khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động thông tin đối ngoại trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam; thông tin về tình hình trong nước, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực; đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam.

Giải thưởng ghi nhận và tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền đối ngoại, góp phần vào sự nghiệp báo chí nói chung và báo chí đối ngoại nói riêng; qua đó tạo động lực cho các phóng viên, cơ quan báo chí tích cực tham gia tuyên truyền đối ngoại; tăng cường sự kết nối, trao đổi, phối hợp giữa các đơn vị báo chí đối ngoại, giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội, giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tăng cường hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Tất cả các nhà báo, các cộng tác viên của các cơ quan thông tấn, báo chí, các cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài có tác phẩm báo chí phù hợp với tiêu chí của Giải, đều có quyền gửi tác phẩm tham dự Giải.

- Xin Ông cho biết những tiêu chí để xét trao Giải thưởng?

Ồng Phạm Văn Linh: Tác phẩm báo chí được xét trao “Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ nhất-năm 2014” thuộc lĩnh vực báo chí là những tác phẩm bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài, dành cho công chúng là người nước ngoài, người Việt Nam ở trong và ngoài nước, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng do cơ quan Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cấp phép hoặc trên báo chí nước ngoài, trong thời gian quy định từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12/2014.

Tác phẩm phải đảm bảo tính chân thực, thông tin chính xác, có sức lan tỏa trong nước và quốc tế, được dư luận đánh giá cao; phục vụ tốt nội dung thông tin, tuyên truyền đối ngoại của Việt Nam; có tác dụng tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam; về tình hình trong nước, thành tựu công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển, giàu tiềm năng, tích cực hội nhập quốc tế.

Các tác phẩm phải thông tin chính xác, kịp thời và sinh động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm, lập trường của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tác phẩm có tác dụng tích cực trong đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam, đặc biệt là vấn đề quan trọng, nhạy cảm, mới nảy sinh được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, như chủ quyền biển, đảo, biên giới, lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền…, qua đó góp phần định hướng dư luận kịp thời, hạn chế ảnh hưởng của các thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái của các thế lực xấu.

Thông qua các tác phẩm, giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng, kịp thời về tình hình đất nước, về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với việc tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước và đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; giúp người dân trong nước có được thông tin về tình hình quốc tế, khu vực; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm, tinh hoa văn hóa của nhân dân thế giới, góp phần cùng nhân dân thế giới đấu tranh vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Loại hình báo chí xét trao giải thưởng bao gồm 05 thể loại: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí.

- Xin ông cho biết những đánh giá chung về các tác giả, tác phẩm tham dự Giải?

Ông Phạm Văn Linh: “Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ nhất-năm 2014” sau khi được chính thức phát động, Ban Tổ chức nhận được tổng số 515 tác phẩm tham dự Giải ở 5 thể loại, bao gồm: thể loại báo in: 255 tác phẩm; thể loại Báo điện tử: 68 tác phẩm; thể loại Phát thanh: 14 tác phẩm; thể loại Truyền hình: 79 tác phẩm; thể loại Ảnh báo chí: 99 tác phẩm. Các tác phẩm tham dự Giải ở 10 ngữ: Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào và Bulgaria.

Đối tượng tham gia Giải rất đa dạng: Các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên (cộng tác viên) ở các cơ quan báo chí trong nước, các nhà báo nước ngoài, các đại sứ, chuyên gia, nhà nghiên cứu, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Đặc biệt có 04 nhà báo nước ngoài tham gia là ông Horacio Rana, Hãng thông tấn Télam (Argentina); nữ nhà báo Kadrinka Kadrinova, Phó Tổng biên tập Tạp chí Tema (Bulgaria); ông Hugo Rins, phóng viên Hãng thông tấn Cuba Prensa Latina thường trú tại Hà Nội; nhà báo người Hàn Quốc, ông Kim Jong Gak với bài viết đăng trên Báo ảnh Việt Nam.

Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã nhiệt tình gửi bài dự thi ở cả thể loại báo in, báo điện tử và truyền hình; trong đó số lượng lớn nhất là của các tác giả sống tại Cộng hòa Liên bang Đức. Nhiều cơ quan báo chí thực hiện việc tuyển chọn tác phẩm nghiêm túc, đúng thời hạn, số lượng tác phẩm dự thi lớn như Báo Nhân Dân; VTV4; VOV5; báo Quân đội Nhân dân; các ban biên tập và tòa soạn báo của TTXVN; báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh; The Saigon Times Weekly; Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Dương…

Nội dung các tác phẩm tham dự Giải năm nay rất đa dạng, đề cập đến toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước cũng như đời sống của bà con Việt kiều, người Việt Nam ở nước ngoài. Các tác phẩm đã tập trung giới thiệu những thành tựu công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển, giàu tiềm năng, tích cực hội nhập quốc tế.

Các tác phẩm thông tin chính xác, kịp thời, sâu sắc và sinh động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm, lập trường của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Nhiều tác phẩm đã tham gia đấu tranh phản bác kịp thời những thông tin bịa đặt, xuyên tạc về Việt Nam, đặc biệt là đối với vấn đề quan trọng, nhạy cảm, mới nảy sinh được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm như chủ quyền biển, đảo, biên giới, lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền…

Các tác phẩm góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đối với việc tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Qua chấm giải, Hội đồng Giải thưởng đánh giá chất lượng các tác phẩm tham dự Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ nhất tương đối khá và đồng đều. Nhiều tác phẩm dự thi cho thấy có sự đầu tư công phu của các tác giả, nhóm tác giả, chủ đề tốt, kỹ thuật thể hiện chuyên nghiệp, hấp dẫn.

Trong số tác phẩm được lựa chọn, giới thiệu vào Chung khảo, nhiều tác phẩm có chất lượng vượt trội. Đơn cử như tác phẩm “Một mình một vụ kiện da cam” của tác giả Phạm Vũ (báo Tuổi trẻ). Từ một nhân vật đứng tên đơn kiện vụ án chất độc da cam, tác giả đã công phu dựng lên một hành trình bất khuất, kiên trì sống, chiến đấu vì lý tưởng cao cả của một nhân vật, một gia đình, một thế hệ cách mạng trung kiên. Các tuyến nhân vật, vấn đề trong nước và ảnh hưởng quốc tế đan xen phù hợp, như một cuộc chiến pháp lý thời hậu chiến.

Tác phẩm “Chỉ một mục tiêu: Vị thế Việt Nam” của tác giả Song Hà (báo Nhân Dân), phỏng vấn chuyên gia hàng đầu về đối ngoại quốc phòng hiện nay về những vấn đề trên Biển Đông, đặc biệt mối quan hệ nước lớn - nước nhỏ, từ đó thấy rõ bản lĩnh, vị thế và cả tình thế của Việt Nam trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chùm bài viết về Biển Đông bằng tiếng Anh của nhóm tác giả Hoàng Trung Hiếu, Bùi Hoài Nam của báo Vietnam News thuộc TTXVN, bao quát khá toàn diện về cuộc đấu tranh anh dũng của Việt Nam trước hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, có tính thời sự, thông tin đa dạng với nhiều chứng cứ cả lịch sử lẫn thực tiễn.

Bản tin nhạc Rap về Biển Đông đa ngữ tạo sức mạnh lan tỏa trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của nhóm tác giả Lê Quốc Minh, Trần Ngọc Long và Nguyễn Hoàng Nhật của Báo điện tử VietnamPlus, là sản phẩm truyền thông độc đáo, mang tính chính trị, tính chuyên môn, tính định hướng cao đi cùng tính giải trí thông qua việc tận dụng thế mạnh của công nghệ số, nắm vững tâm lý công chúng hiện đại và cộng đồng mạng.

Đây là loạt thông tin có giá trị đối ngoại cao, đưa chủ đề thời sự chính trị vào sinh hoạt văn hóa, giải trí một cách khéo léo, đã tạo ra yếu tố lạ, hấp dẫn khi kết hợp những chủ đề chính trị khô khan phù hợp trên nền nhạc Rap.

Ở thể loại Truyền hình, tác phẩm “Nghệ thuật quân sự” của nhóm tác giả Ban Truyền hình đối ngoại (VTV4) - Đài Truyền hình Việt Nam, đã phản ánh những nét đặc sắc và độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến qua cái nhìn của các nhà nghiên cứu quốc tế, các cựu chiến binh từ hai phía Việt Nam và Mỹ.

Đây là tác phẩm đối ngoại có tính tư tưởng, quy mô, công phu, nêu được đánh giá nhiều chiều trong một chủ đề không mới.

Thể loại Phát thanh, các tác phẩm dự thi đều mang tính đối ngoại và đối tượng cao, có tác dụng tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Các chương trình tổng hợp tốt về nội dung và hình thức, dàn dựng công phu. Loạt bài đấu tranh dư luận có nội dung sâu sắc, nhiều luận cứ thuyết phục.

Tác phẩm “20 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ” của nhóm tác giả Ban Phát thanh Đối ngoại (VOV5) - Đài Tiếng nói Việt Nam, đã xâu chuỗi nhiều vấn đề có tính đối ngoại rất rõ, góc tiếp cận hẹp nhưng sâu, thông tin có giá trị thuyết phục cao.

Ở thể loại Ảnh báo chí, phóng sự ảnh “Cuộc sống tôn giáo: Chân thực và sinh động” của nhóm tác giả Nguyễn Luân, Việt Cường, Tất Sơn của Báo ảnh Việt Nam đã bao quát vấn đề tôn giáo, thực hiện tại xứ đạo Bùi Chu thuộc tỉnh Nam Định, đạo Tin Lành tại Eatul ở tỉnh Đắk Lắk và Phật giáo Nam tông Khmer tại tỉnh Trà Vinh, minh chứng cho tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam.

Hội đồng “Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ nhất-năm 2014” thuộc lĩnh vực báo chí đã thống nhất chọn trao giải cho 59 tác phẩm, nhóm tác phẩm, trong đó có 5 giải nhất, 10 giải nhì, 13 giải ba và 31 giải khuyến khích.

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của TTXVN, đơn vị được giao thường trực Giải trong năm đầu tiên tổ chức?

Ông Phạm Văn Linh: Có thể nói, kết quả của Giải thưởng đã thể hiện rõ trách nhiệm của TTXVN trong vai trò là đơn vị được giao thường trực Giải. Với tư cách là cơ quan thông tấn Nhà nước, là thành viên Ban Chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại, TTXVN đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các đơn vị thành viên của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải để cùng giải quyết những khó khăn nảy sinh trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, TTXVN còn tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền, quảng bá cho Giải và huy động tất cả các đơn vị báo chí trong ngành cùng vào cuộc, tạo hiệu ứng truyền thông cao.

TTXVN cũng là đơn vị báo chí có số lượng tác giả, số lượng tác phẩm tham dự Giải nhiều nhất, với tất cả các thể loại và 10 ngữ khác nhau. Điều này khẳng định vai trò của cơ quan thông tấn nhà nước trong công tác thông tin đối ngoại. Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, cơ quan Thường trực Giải thưởng đã có phương pháp làm việc hợp lý, khoa học, nên các phần việc được tổ chức và triển khai một cách nghiêm túc, bài bản, chuyên nghiệp, đúng quy định, có tinh thần trách nhiệm cao.

Hiện TTXVN đang tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí trong công tác chuẩn bị để Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ nhất diễn ra long trọng, chuyên nghiệp và lan tỏa, nhằm tôn vinh những người làm công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại đánh giá cao vai trò của TTXVN, góp phần vào thành công chung của mùa giải đầu tiên.

Trân trọng cảm ơn Ông!


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục