Tiền Giang khẩn cấp đưa nước ngọt đến người dân vùng hạn mặn

Trung bình mỗi ngày có bốn chuyến sà lan chở nước ngọt từ Mỹ Tho về Tân Phú Đông, kiên quyết không để xảy ra tình trạng bà con không có nước ngọt dùng trong các tháng cao điểm mùa khô hạn 2016.
Tiền Giang khẩn cấp đưa nước ngọt đến người dân vùng hạn mặn ảnh 1Xà lan vận chuyển 1.000m3 nước ngọt cung ứng cho nhân dân huyện đảo Tân Phú Đông. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho biết trước tình hình thiên tai hạn, mặn đang diễn biến phức tạp gây nhiều thiệt hại cho nhân dân ven biển, đầu tháng 3/2016, Tiền Giang triển khai phương án dùng sà lan chở nước ngọt về “cứu khát” cho bà con trên huyện đảo Tân Phú Đông tiếp giáp với Biển Đông.

Theo dự kiến, kinh phí đầu tư khoảng 13,5 tỷ đồng đưa 433.000m3 nước ngọt từ thành phố Mỹ Tho về Tân Phú Đông, trung bình mỗi ngày có bốn chuyến sà lan chở nước ngọt cung ứng cho nhân dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng bà con không có nước ngọt dùng trong các tháng cao điểm mùa khô hạn 2016 sắp tới.

Do đặc thù nằm tách biệt giữa sông Tiền, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nên vào mùa khô hạn hàng năm, huyện cù lao Tân Phú Đông thường xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt gay gắt. Năm 2016, tình hình hạn mặn càng căng thẳng hơn.

Ngay từ đầu mùa khô, tỉnh đã mở 19 vòi nước công cộng cung cấp miễn phí cho các hộ dân ven biển, ở xa các nguồn cung cấp nước của mạng lưới cấp nước nông thôn.

Do hạn mặn còn kéo dài, những ngày tới nhu cầu nước sinh hoạt cho toàn vùng hết sức bức thiết nên tỉnh quyết định triển khai phương án dùng sà lan chở nước ngọt từ thành phố Mỹ Tho cách đó 60km về phía thượng lưu sông Tiền để đảm bảo nguồn cấp nước cho bà con.

Qua khảo sát, trong mùa khô hạn 2016, huyện cù lao Tân Phú Đông có gần 2.800 hộ với trên 13.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt. Từ thời điểm sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều hộ dân sống ven biển Đông thuộc xã Phú Tân, Tân Thạnh không có nước ngọt phải mua với giá đắt đỏ.

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Pháp, cùng với triển khai phương án dùng sà lan chở nước ngọt tỉnh cũng đang xem xét đầu tư 68 tỷ đồng lắp đường ống vượt sông Tiền để đưa nước ngọt từ Nhà máy nước Đồng Tâm (thành phố Mỹ Tho) về phục vụ nhân dân Tân Phú Đông.

Dự kiến, tháng 6/2016 tới, dự án chính thức được khởi công, khi hoàn thành sẽ giải quyết căn bản nhu cầu nước ngọt cho nhân dân vùng hạn mặn trong mùa khô hàng năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục