Tiền Giang phát huy nghề biển gắn với chủ động phòng chống IUU

Là tỉnh ven biển Nam Bộ, Tiền Giang có nghề biển truyền thống phát triển với đội tàu có tổng công suất trên 421.000kW, giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động trực tiếp.
Tiền Giang phát huy nghề biển gắn với chủ động phòng chống IUU ảnh 1(Ảnh minh họa: Đặng Tuấn/TTXVN)

Trong năm 2023, Tiền Giang có kế hoạch khai thác trên 124.000 tấn hải sản các loại phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, năm 2023, cùng với phát huy tiềm năng và thế mạnh nghề khai thác hải sản, giải quyết công ăn việc làm cho lao động miền biển, đảm bảo đạt và vượt sản lượng theo kế hoạch, Tiền Giang còn thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Là tỉnh ven biển Nam Bộ, địa phương có nghề biển truyền thống phát triển với đội tàu có tổng công suất trên 421.000kW, giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động trực tiếp.

[Khắc phục "thẻ vàng": Hiệu quả từ nâng cao ý thức cho ngư dân]

Loại nghề khai thác phát triển mạnh nhất là nghề lưới kéo và lưới vây kết hợp ánh sáng. Ngư trường khai thác chủ yếu vùng biển Đông Nam bộ, Trường Sa và nhà giàn DK1...

Năm 2023, địa phương phát huy vai trò cơ sở trong quản lý đội tàu khai thác hải sản, lắp đặt hệ thống giám sát hành trình tàu cá; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua VMS; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác cũng như tăng cường thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm…

Hiện, 100% số tàu đang hoạt động trên biển đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Trong năm, tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao ý thức về việc chấp hành nghiêm túc các quy định về chống khai thác IUU, tuyệt đối không đưa tàu ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép.

Đổng thời, Tiền Giang chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tại cảng cá, đầu tư mới Cảng cá Mỹ Tho đảm bảo phục vụ hậu cần nghề cá; kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban Quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là trên lĩnh vực kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng nhằm phòng, chống khai thác IUU đạt hiệu quả cao nhất.

Mặt khác, tỉnh quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển ngành nghề, ổn định đời sống, sinh kế bền vững vừa bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Trong năm 2023, địa phương triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, ngư cụ cấm trên địa bàn tỉnh đồng thời khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới phương tiện hoặc hoán cải phương tiện, trang bị thiết bị máy móc hiện đại, công suất lớn đủ sức vươn khơi đánh bắt xa bờ nhằm phát triển bền vững nghề biển truyền thống vừa bảo vệ nguồn lợi biển cũng như môi sinh, môi trường. Từ đó, hướng tới mục tiêu hạn chế thấp nhất những ngành nghề khai thác ven bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản.

Trong năm 2022 vừa qua, Tiền Giang đã đạt sản lượng thủy sản trên 361.000 tấn, vượt gần 26% chỉ tiêu cả năm; trong đó sản lượng từ nuôi trồng gần 221.000 tấn, còn lại từ các hoạt động đánh bắt, khai thác biển khơi xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục