Tiền mặt đang dần biến mất trong đời sống xã hội toàn cầu

Le Courrier International cho hay đời sống xã hội toàn cầu xuất hiện một hiện tượng mới, đó là ngày càng có nhiều người dùng phương thức thanh toán bằng điện thoại di động.
Tiền mặt đang dần biến mất trong đời sống xã hội toàn cầu ảnh 1Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng bán lẻ ở Seoul, Hàn Quốc ngày 7/9/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo một báo cáo của Fung Global Retail&Technology, 9 trong số 15 quốc gia chuẩn bị tốt nhất cho việc chuyển sang xã hội không tiền mặt là ở châu Âu. Thụy Điển được coi là nước sẽ bỏ tiền mặt đầu tiên, dự kiến vào năm 2030. 

Le Courrier International cho hay đời sống xã hội toàn cầu xuất hiện một hiện tượng mới, đó là ngày càng có nhiều người dùng phương thức thanh toán bằng điện thoại di động. Tiền mặt đang dần biến mất.

Phóng viên báo Asia Times ghi nhận việc có đến hơn 80% khách hàng tại một cửa hàng càphê ở Thẩm Quyến (Trung Quốc) thanh toán qua điện thoại di động chứ không phải bằng thẻ tín dụng hay tiền mặt.

Theo Asia Times, gần 58% trong số 710 triệu dân mạng Trung Quốc đã áp dụng thanh toán qua điện thoại để mua các sản phẩm hay dịch vụ qua mạng, đặc biệt qua dịch vụ Alipay của tập đoàn Alibaba hay dịch vụ của mạng xã hội WeChat của tập đoàn Tencent.

[Đến 2020, tiền mặt chỉ chiếm dưới 10% tổng phương tiện thanh toán]

Nhìn chung, dân Trung Quốc đang chuyển thẳng từ phương thức thanh toán tiền mặt sang dùng di động, bỏ qua giai đoạn thẻ ngân hàng. Tại Trung Quốc, chỉ có khoảng 1/5 dân cư là có tài khoản ngân hàng, và 80% trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ không được hưởng các dịch vụ ngân hàng phù hợp.

Việc tiền mặt dần biến mất mở ra nguy cơ hình thành một xã hội với “hai tốc độ” là cảnh báo của báo Anh The Guardian.

Fung Global Retail&Technology dự đoán các nước tại “lục địa già” đã rậm rịch chuẩn bị cho việc chuyển sang xã hội không tiền mặt, mà đi đầu là Thụy Điển, dự kiến vào năm 2030.

Tuy nhiên, ngay từ bây giờ khá nhiều người về hưu Thụy Điển phản đối việc này, nhất là những người sống tại các miền hẻo lánh. Tình hình tương tự đối với các nhóm dân cư nghèo nhất tại các thành phố lớn châu Âu. Tiền mặt, tiền lẻ vẫn là thứ tiện ích cho các giao dịch nhỏ, trực tiếp, như mua một món hàng ở đầu phố, hay cho tiền một người hát rong…

Theo The Guardian, bỏ hoàn toàn tiền mặt là tiết kiệm và hiệu quả về kinh tế, thuận tiện cho cuộc sống của rất nhiều người, nhưng nếu các phương tiện thanh toán khác không bao phủ được toàn bộ dân cư, ắt hẳn sẽ có thêm nhiều người bị gạt hoàn toàn ra ngoài hệ thống.

Theo nguyệt san kinh tế Anh “1843,” thói quen thanh toán bằng thẻ hay qua mạng khiến người ta vung tiền mạnh tay hơn, bởi không bị “rào cản tâm lý” khi dùng tiền mặt cản trở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục