Tiếp nhận gần 5.000 cuộc gọi liên quan đến mua bán người

Từ tháng 7/2012 đến nay, đường dây nóng chống mua bán người tại Hà Nội, An Giang và Hà Giang đã nhận được gần 5.000 cuộc gọi, trong đó có nhiều cuộc gọi kết nối, chuyển tuyến thành công.
Tiếp nhận gần 5.000 cuộc gọi liên quan đến mua bán người ảnh 1Lực lượng chức năng Lai Châu bắt giữ đối tượng Lò Thị Chom chuyên đưa người qua biên giới. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Chiều 24/2, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Xây dựng đường dây nóng phòng, chống mua bán người” (giai đoạn 7/2012-3/2016).

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết nạn mua bán người vẫn tiếp tục là một vấn đề về con người và an ninh quốc gia tại Việt Nam. Vì vậy, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em với sự hỗ trợ của JICA đã và đang triển khai thực hiện dự án “Xây dựng đường dây nóng phòng chống mua bán người” tham gia vào cuộc chiến chống nạn buôn người trên phạm vi toàn quốc.

Dự án thực hiện từ tháng 7/2012, tại Hà Nội và 2 tỉnh An Giang, Hà Giang. Đến nay, đường dây nóng 18001567 của dự án đã tiếp nhận gần 5.000 cuộc gọi, trong đó có nhiều cuộc gọi kết nối, chuyển tuyến thành công. Dự án sẽ kết thúc giai đoạn I vào ngày 15/3 tới.

Ông Đặng Hoa Nam cũng chia sẻ hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang trong quá trình thảo luận đề xuất pha 2 của dự án giai đoạn từ năm 2016-2019. Việt Nam mong muốn JICA tiếp tục hỗ trợ để phát triển bền vững đường dây nóng tại Việt Nam và kết nối với các nước trong khu vực Đông Nam Á, các nước tiểu vùng sông Mekong.

Ông Naoki Kakioka, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp giữa các ban, ngành giúp đường dây nóng hoạt động tích cực, mang lại kết quả ban đầu.

Dự án đã giúp nâng cao nhận thức người dân vùng hưởng lợi; các bộ, ngành liên quan cần nhìn nhận để phát hoạt động hiệu quả và liên tục kết quả của dự án. JICA cam kết theo dõi chặt chẽ dự án ngay khi kết thúc pha 1 và sẽ phối hợp để hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.

Báo cáo tổng kết hoạt động của Dự án, ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và Dịch vụ Truyền thông - Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Trưởng nhóm Công tác dự án cho biết sau hơn 3 năm hoạt động, mạng lưới hợp tác giữa các cơ quan liên quan về đường dây nóng phòng, chống mua bán người được thành lập ở cấp trung ương và địa bàn tỉnh thực hiện dự án; hệ thống hoạt động của đường dây nóng được hình thành.

Năng lực cán bộ Tổng đài, các trung tâm kết nối và các cơ quan liên quan về hỗ trợ tư vấn, tham vấn và kết nối các dịch vụ phù hợp được tăng cường. Nhận thức của người dân về mua bán người được cải thiện tại các tỉnh dự án.

Nhằm đảm bảo tính bền vững của đường dây nóng phòng chống mua bán người, các đại biểu tham dự hội thảo đề xuất: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đảm bảo việc phân bổ ngân sách phù hợp cho việc bảo trì và duy trì hoạt động của các đường dây nóng; đảm bảo việc làm cho các nhân viên tư vấn đạt tiêu chuẩn biết tiếng dân tộc, có các kỹ năng tư vấn, chuyển tuyến.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và JICA. Những kinh nghiệm phong phú về các kỹ năng tư vấn, cơ chế chuyển tuyến, dịch vụ nhà tạm lánh, việc vận hành các đường dây nóng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và công nghệ tiên tiến trong các trang thiết bị được tích lũy ở Nhật Bản sẽ đóng góp cho sự phát triển tốt hơn của đường dây nóng phòng chống mua bán người ở Việt Nam./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục