Tiếp tục các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (thuộc xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam).
Tiếp tục các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (thuộc xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam). (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), sáng 24/7, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng Đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (thuộc xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam).

Đến dâng hương, dâng hoa tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn công tác của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã bày tỏ lòng thành kính, tri ân và biết ơn vô hạn đối với công lao, đóng góp to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng Liệt sỹ đã cống hiến, hy sinh cả đời mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Sau Lễ dâng hương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn công tác của Trung ương đã đến tham quan Bảo tàng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đây là Bảo tàng quy tụ được nhiều hiện vật, kỷ vật của các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên toàn quốc do thân nhân các Mẹ cũng như đại diện các tỉnh, thành phố trao tặng.

Quảng Nam là địa phương có số lượng người có công nhiều nhất cả nước với 65.400 liệt sỹ, trên 30.500 thương binh, gần 15.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 914 Mẹ còn sống.

Sáng 24/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng Đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà các gia đình có công với Cách mạng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Tại huyện Đăk Tô, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Đoàn công tác đã đến thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Y Nối, Mẹ có con trai duy nhất là Liệt sỹ A Đing đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tại thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà gia đình bà Y Buông- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh hạng 2/4.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

Đây là nơi an nghỉ của hơn 1.300 liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến cùng các liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào và Campuchia.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Đoàn công tác cũng đến dự lễ khánh thành Bia tưởng niệm Liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân (năm 1968) và Xuân Hè năm 1972 tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Kon Tum. Chiến dịch Mậu Thân (năm 1968) và Xuân Hè năm 1972 có 497 liệt sỹ thuộc các lực lượng của tỉnh Kon Tum và các tỉnh bạn đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Kon Tum.

Tri ân sự hy sinh của các liệt sỹ , thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” tỉnh Kon Tum đã xây dựng Bia tưởng niệm ghi danh 497 liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và Xuân Hè năm 1972. Phó Thủ tướng cùng Đoàn công tác cũng đến thăm Ngục Kon Tum và Bảo tàng tỉnh Kon Tum.

[Hơn 260 liệt sỹ TTXVN đã hy sinh cho những dòng tin "chảy mãi"]

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với một số bảo tàng, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ba miền Bắc, Trung, Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Đi qua cuộc chiến."

Tại lễ khai mạc trưng bày ngày 24/7, Tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, lấy ý tưởng từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thương binh “tàn mà không phế,” các cán bộ bảo tàng đã có mặt trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, gặp gỡ nhiều nhân chứng để trò chuyện, ghi hình và biên tập thông tin nhằm giới thiệu tới công chúng câu chuyện của những người lính trực tiếp tham gia các cuộc kháng chiến.

Trưng bày chuyên đề giới thiệu 180 tư liệu, hình ảnh, hiện vật của một số thương binh tại Hà Nội, Cao Bằng, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre…

Đây chỉ là một phần nhỏ trong số hàng ngàn câu chuyện của các thương binh trên khắp mọi miền Tổ quốc, được kể theo mạch hồi ức từ quá khứ đến hiện tại và những mong ước cho tương lai.

Lời chia sẻ chân thực, cảm động của những thương binh “tàn mà không phế” giúp công chúng thấy rõ hơn giá trị hòa bình, ra sức phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn."

Chuyên đề sẽ được trưng bày trong 3 tháng, gồm 3 nội dung chính: Ký ức nơi chiến trường, Khi cuộc chiến đã qua và Ước mơ.

Phần “Ký ức nơi chiến trường” kể câu chuyện khi đất nước có chiến tranh, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, bao lớp thanh niên Việt Nam đã hiến dâng tuổi xuân của mình, hăng hái lên đường chiến đấu với tinh thần “Đâu cần thanh niên có. Việc gì khó có thanh niên.”

Để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, họ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc…

Giữa muôn vàn khó khăn, gian khổ của cuộc chiến, vẫn bừng sáng những câu chuyện cảm động về tình yêu, tình đồng đội, tình quân dân ấm áp và niềm tin chiến thắng.

Ở nội dung “Khi cuộc chiến đã qua,” người xem sẽ thấy được rằng khi chiến tranh kết thúc, dù may mắn được trở về nhưng với nhiều người lính chiến tranh dường như vẫn còn bởi nỗi đau thương tật, khó khăn và những trở ngại trong cuộc sống…

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Thương binh “tàn mà không phế”, họ đã không đầu hàng số phận. Có người cả hai mắt không còn nhìn thấy ánh sáng vẫn trở thành một họa sỹ tài năng, có người cụt cả hai tay, có người cụt cả hai chân vẫn có nhiều đóng góp cho xã hội, có những người dù tuổi đã cao vẫn tiếp tục học hành với tâm huyết góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc…

Nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà lãnh đạo, cán bộ quản lý ở nhiều lĩnh vực từ Trung ương đến cơ sở, những doanh nhân thành đạt.

Phần trưng bày “Ước mơ” đưa người xem tới những câu chuyện bình dị trong cuộc sống của những người lính. Anh dũng trong chiến đấu, kiên cường vượt khó trong thời bình, như muôn người, mỗi thương binh đều có những ước mơ thật bình dị cho riêng mình: Được một lần vào Lăng viếng Bác, có đôi mắt sáng, có một căn nhà nhỏ, một mái ấm gia đình để bớt cô quạnh, hay giản đơn chỉ là một giấc ngủ sâu khi vết thương tái phát...

Cùng với những ước mơ riêng, các anh còn có những ước mơ chung: Có điều kiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, được trở lại chiến trường xưa thắp hương hay tìm kiếm hài cốt đồng đội. Vượt lên trên hết là ước mơ lớn về một đất nước Việt Nam hòa bình, phát triển kinh tế giàu mạnh.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục