Tiếp tục tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại nhiều địa phương

Các đơn vị sẽ triển khai phủ sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất (DVB-T2) tại đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, đảm bảo tiến độ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại một số địa phương.
Tiếp tục tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại nhiều địa phương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 14/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo phiên họp lần thứ 13 Đề án số hóa truyền hình.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị trong năm 2017, theo kế hoạch, các đơn vị sẽ triển khai phủ sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất (DVB-T2) tại đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, đảm bảo tiến độ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (các trạm phát sóng chính) tại Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang trước ngày 1/7/2017.

Các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng cần sớm hoàn thành phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Báo chí, Vụ Thông tin cơ sở... các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về số hóa truyền hình cho các tỉnh thuộc nhóm II sẽ tắt sóng vào ngày 1/7/2017 và các tỉnh nhóm III tắt sóng vào ngày 31/12/2017.

Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đào Quang Hoan cho biết trong giai đoạn I và giai đoạn II, việc thực hiện lộ trình tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất còn một số khó khăn nhất định. Việc triển khai Đề án số hóa ở 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ bị chậm 8 tháng so với lộ trình đã được phê duyệt.

Số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn mới giai đoạn 2016-2020 lớn hơn nhiều so với theo tiêu chuẩn cũ. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương phải tiến hành rà soát danh sách các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh và hỗ trợ bổ sung đầu thu truyền hình số mặt đất tại các thành phố trực thuộc Trung ương, địa bàn bị ảnh hưởng ở các tỉnh lân cận.

Kinh phí 1.710 tỷ đồng đã được phê duyệt tại Quyết định 2451/QĐ-TTg có thể sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu hỗ trợ đầu thu truyền hình số tại các địa phương trong thời gian tới.

Mặt khác, một số tỉnh thực hiện Đề án ở giai đoạn II có địa hình rất phức tạp, việc số hóa truyền hình mặt đất sẽ khó khăn hơn nhiều và kém hiệu quả. Do đó, các đơn vị chức năng cần xem xét kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất với truyền hình qua vệ tinh tại các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa.

Đối với việc hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo và cận nghèo, giai đoạn tới, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo Ban quản lý Chương trình đề nghị các đơn vị phối hợp với các địa phương xác định cụ thể vùng hỗ trợ thực tế và danh sách hỗ trợ để sớm triển khai các công việc tiếp theo, đảm bảo hoàn thành hỗ trợ đầu thu truyền hình số trước ngày 1/7/2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục