Tiêu dùng và người nhập cư - động lực tăng trưởng kinh tế Đức

Chính phủ Đức dự báo tiêu dùng cá nhân mạnh và chi tiêu chính phủ liên quan đến người nhập cư tăng sẽ là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này trong năm nay và năm tới.
Tiêu dùng và người nhập cư - động lực tăng trưởng kinh tế Đức ảnh 1Người di cư tại nhà ga ở Munich, miền Nam nước Đức ngày 1/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Đức dự báo tiêu dùng cá nhân mạnh và chi tiêu chính phủ liên quan đến người nhập cư tăng sẽ là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này trong năm nay và năm tới, giúp bù đắp những tác động tiêu cực từ nhu cầu yếu đi của Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác.

Tỷ lệ người có việc làm cao kỷ lục, tiền lương tăng và giá cả tương đối ổn định khuyến khích chi tiêu của hộ gia đình, trong khi giá xăng dầu rẻ khiến người tiêu dùng bớt ngần ngại khi “mở hầu bao.”

Một số lượng người di cư lớn nhất từ trước đến nay đã tìm đến “vùng đất hứa” Đức, trong đó chủ yếu là người tị nạn chạy trốn chiến tranh hoặc đói nghèo. Chính quyền liên bang và địa phương của Đức chi tới 10 tỷ euro (11 tỷ USD) để cung cấp nơi ăn ở cho người nhập cư, hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng và tìm việc làm.

Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel cho biết hàng tỷ euro mà chính phủ nước này chi để cung cấp dịch vụ giáo dục cho người di cư có vai trò như một gói kích thích kinh tế nhỏ, và đây là một kế hoạch đầu tư có lợi cho tương lai của Đức - đất nước đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số.

Chính phủ Đức hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế nước này trong năm 2015 xuống 1,7%, từ con số 1,8% đưa ra hồi tháng Tư, song giữ nguyên ước tính 1,8% của năm 2016.

Ông Gabriel nhận định chi tiêu tiêu dùng - duy trì được đà tăng trưởng ổn định bất chấp triển vọng toàn cầu ảm đạm - sẽ tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế Đức.

Theo Bộ kinh tế, nhu cầu nội địa ước tính tăng lần lượt 1,7% và 2% trong năm nay và năm sau. Chi tiêu của chính phủ dự tính tăng 2,3% trong năm 2015 và 2% trong năm 2016, chủ yếu do chi phí liên quan đến người nhập cư tăng.

Làn sóng người di cư được đánh giá sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động Đức, khi lượng người thất nghiệp ước tăng thêm 60.000 người trong năm 2016.

Về ngoại thương, Bộ trưởng Gabriel nói các doanh nghiệp Đức vẫn được hưởng lợi nhờ đồng euro yếu. Xuất khẩu ước tăng 5,4% năm 2015 và 4,2% năm 2016, trong khi nhập khẩu cũng tăng mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục