Tìm cách tăng hạn ngạch cho lao động Việt sang làm việc tại Hàn Quốc

Các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao tính chăm chỉ và tay nghề của lao động Việt, vốn được coi là một trong những thuận lợi để giới chủ lao động Hàn Quốc ưu tiên lựa chọn lao động Việt.
Tìm cách tăng hạn ngạch cho lao động Việt sang làm việc tại Hàn Quốc ảnh 1Các lao động tìm hiểu thông tin về việc làm qua một phiên giao dịch việc làm. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác trên lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội, từ ngày 16-18/3, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Lao động và Việc làm Hàn Quốc Lee Ki-kweon đã tập trung trao đổi, đánh giá về quan hệ hợp tác trong lĩnh vực lao động.

Hai bộ trưởng nhất trí tiếp tục mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như lao động, việc làm, an sinh xã hội, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là tiếp tục nỗ lực tăng hạn ngạch cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.

Tại cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc Koh Young-sun, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao việc phía Hàn Quốc đã quan tâm chỉ đạo phát triển quan hệ hợp tác về lao động-việc làm giữa hai bộ trong thời gian qua, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực lao động và việc làm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân Hàn Quốc sang đầu tư, kinh doanh và làm việc tại Việt Nam.

Về lĩnh vực cung ứng và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh việc hai bên ký lại Bản ghi nhớ bình thường về tiếp nhận lao động theo chương trình cấp phép việc làm của chính phủ Hàn Quốc đối với lao động nước ngoài (EPS) tháng 5/2016 đã tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực lao động.

Trong tổng số khoảng 150.000 người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập và làm việc tại Hàn Quốc có hơn 40.000 lao động thuộc Chương trình EPS.

Hai bên cũng trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả chương trình này, bao gồm việc phối hợp thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, nâng cao chất lượng lao động Việt Nam và tăng cường xử phạt các doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động nước ngoài bất hợp pháp.


[Infographics] Những thị trường nào đang thu hút lao động Việt Nam?

Thứ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc Koh Young-sun cho biết các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao tính chăm chỉ và tay nghề của lao động Việt Nam, vốn được coi là một trong những thuận lợi để giới chủ lao động Hàn Quốc ưu tiên lựa chọn lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Koh Young-sun nhấn mạnh việc giảm tỷ lệ người lao động bỏ trốn là yếu tố quan trọng để phía Hàn Quốc xem xét tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc theo Chương trình EPS trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Phía Hàn Quốc ghi nhận những khó khăn của người dân Việt Nam tại các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường năm 2016 và cam kết sẽ xem xét tích cực để tạo điệu kiện thuận lợi nhất cho người lao động thuộc các huyện ven biển tại các địa phương này tham gia Chương trình EPS.

Lãnh đạo hai bộ cũng thảo luận các biện pháp nhằm giải quyết việc làm cho số lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Hai bên nhất trí rằng về lâu dài, việc phái cử và tiếp nhận lao động giữa hai nước sẽ chú trọng vào đối tượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Tại buổi làm việc với Chủ tịch Hội Nghị sỹ hữu nghị Hàn-Việt Kim Hack-yong, hai bên nhấn mạnh Việt Nam và Hàn Quốc có quan hệ hữu nghị truyền thống và nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa.

Với vai trò của mình, ông Kim Hack-yong khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói riêng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư của Hàn Quốc, đến tìm hiểu cơ hội làm ăn tại Việt Nam.

Về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với Chủ tịch Hiệp hội An toàn lao động Hàn Quốc Kim Young-ki.

Hai bên đã chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, trao đổi ý kiến về việc xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể nhằm triển khai hợp tác nghiên cứu, xây dựng văn hóa an toàn lao động.

Đặc biệt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng và áp dụng chuẩn lao động cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, huấn luyện cho cán bộ và người lao động về an toàn vệ sinh lao động.

Phía Hàn Quốc cam kết sẽ đào tạo cho doanh nghiệp nước này trước khi sang Việt Nam và hỗ trợ quá trình xây dựng các tiêu chuẩn về an toàn lao động.

Trong thời gian ở Hàn Quốc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã gặp gỡ người lao động Việt Nam đang làm việc tại một nhà máy của Hàn Quốc ở thành phố Hwaseong thuộc tỉnh Gyeonggi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tìm hiểu về công việc, thu nhập và điều kiện sống của người lao động, đồng thời căn dặn họ chăm chỉ làm việc, chấp hành tốt nội quy của nhà máy và pháp luật của nước sở tại, thực hiện đúng hợp đồng và về nước đúng thời hạn khi kết thúc hợp đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục