Tìm đường cứu nước hay mô hình Nhà nước mới

Vietnam+ giới thiệu bài viết "Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước hay tìm mô hình Nhà nước kiểu mới" của phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Đăng Tri.
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011), Vietnam+ giới thiệu bài viết "Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước hay tìm mô hình Nhà nước kiểu mới" của phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Đăng Tri, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về chủ đề Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước. Đa số trong các công trình đó cho rằng Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước là tìm con đường giải phóng dân tộc. Lại có ý kiến cho rằng Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước là tìm con đường cách mạng vô sản. Những điều đó đều đúng, nhưng chưa cụ thể.

Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội là vấn đề chính quyền nhà nước. Vậy Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, lựa chọn con đường cách mạng vô sản hay giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản thực chất là tìm cái gì, lựa chọn cái gì? Đó là đi tìm và lựa chọn một mô hình nhà nước kiểu mới, một thể chế chính trị xã hội mới cho Việt Nam nhằm đạt tới mục tiêu “kép” của Người là cứu nước và cứu dân, là độc lập cho dân tộc, tự do cho con người, hạnh phúc cho nhân dân.

1- Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước thực chất là mô hình nhà nước kiểu mới

Thuở thiếu thời, Hồ Chí Minh cũng như nhiều người yêu nước khác, đã rất trăn trở về vận nước, tìm mọi cách để giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh giống như các bậc tiền bối, đều ra sức tìm cách giành lại độc lập cho dân tộc. Cái khác biệt, riêng có của Hồ Chí Minh so với những người tiền bối là giải phóng dân tộc rồi thì lập nên nhà nước kiểu gì, thể chế chính trị xã hội thế nào, thân phận của nhân dân ở đó ra sao? Đó là câu hỏi lớn của dân tộc và thời đại mà Hồ Chí Minh suy tư, cần giải đáp, là mục đích đi ra ngước ngoài, sang phương Tây của Người năm 1911.

Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước không phải là tìm một đất nước độc lập với thể chế chính trị xã hội như các bậc tiền bối xác định: chế độ quân chủ chuyên chế, hay mới đang dự kiến: chế độ tư bản (kiểu Nhật Bản hay kiểu Pháp). Người cho rằng nước độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì. Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước là tìm kiếm một nền độc lập mà ở đó nhân dân là người làm chủ xã hội, họ không chỉ được thoát khỏi ách thống trị của các thế lực ngoại bang, mà còn thoát khỏi ách nô lệ của bọn vua quan phong kiến trong nước.

Cuộc ra đi tìm đường cứu nước tháng 6/1911 của Hồ Chí Minh là cuộc đi tìm một con đường cách mạng không chỉ nhằm giải quyết một mục tiêu đơn lẻ như người xưa: độc lập dân tộc, mà có hai mục tiêu gắn bó với nhau, mục tiêu “kép”: cứu nước và cứu dân. Tức là Hồ Chí Minh không chỉ có mục đích cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc thực dân, mà cái quan trọng hơn là giải phóng nhân dân khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh .

Chính vì lẽ đó mà Hồ Chí Minh đã rất kính phục các bậc tiến bối như Phan Bộ Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám, song không đi theo con đường của họ.

Không tán thành con đường của các bậc tiền bối, song giành độc lập và xây dựng một chế độ như thế nào, một nhà nước ra sao thì Hồ Chí Minh chưa biết. Trí tuệ Hồ Chí Minh khi ra đi tìm đường cứu năm 1911 mới chỉ dứng lại ở nhận thức như vậy. Có ý kiến cho rằng khi đi ra nước ngoài năm 1911, Hồ Chí Minh chưa có tư tưởng gì hay đã có định hướng rõ ràng đều thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn. Thực ra, Hồ Chí Minh lúc đó chưa có tư tưởng chính trị mới, song động cơ chính trị mới thì rất rõ ràng: Đó là đi tìm con đường cứu nước và cứu dân. Nghĩa là tìm một mô hình nhà nước mới, một thể chế chính trị mới cho Việt Nam sau khi giành lại độc lập cho đất nước.

Quá trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh là quá trình tìm chọn mô hình nhà nước, tìm chọn thể chế chính trị kiểu mới cho Việt Nam. Quá trình đó có thể hình dung theo các bước, các chặng quan trọng như sau:

Chặng thứ nhất, trước năm 1911. Đây là chặng Hồ Chí Minh quan sát các thể chế chính trị xã hội Việt Nam đương thời, chế độ phong kiến và thực dân tư bản. Người khẳng định đó là chế độ phản động, áp bức bóc lột nhân dân, nô lệ cho đế quốc, không thể đi theo.

Chặng thứ hai, từ năm 1911 đến năm 1919: Đây là thời gian Hồ Chí Minh lao động, nghiên cứu ở các nước thuộc địa, ở Mỹ, ở Anh, ở Pháp. Quá trình này giúp cho Hồ Chí Minh đi tới kết luận là khi giành lại được độc lập, không thể thiết lập thể chế chính trị theo mô hình quân chủ, vì chế độ đó đã lỗi thời. Người cũng dần dần đi tới phủ định mô hình dân chủ tư sản, dù nó tuy là mới đối với Việt Nam nhưng không đạt được mục tiêu “kép” như mình đã xác định.

Người đã nghiên cứu cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp, đã tham gia Đảng Xã hội Pháp và sau khi “Bản yêu sách 8 điểm” gửi Hội nghị Versailles (1919) bị bác bỏ, Người đã dứt khoát xa lánh mô hình-thể chế tư bản chủ nghĩa. Hồ Chí Minh cho rằng chế độ tư bản bóc lộ, bất công, giả dối, “bịp bợm,” không tôn trọng quyền dân tộc tự quyết, quyền được tự do, bình đẳng của các dân tộc thuộc địa. Nếu như sự quyết định đi sang phương Tây “để xem họ làm như thế nào rồi về giúp đỡ đồng bào” năm 1911 là sự đoạn tuyệt của Hồ Chí Minh đối với mô hình chính trị, mô hình nhà nước quân chủ, phong kiến phương Đông, mở đầu cho quá trình nghiên cứu, tìm hiểu mô hình nhà nước dân chủ tư sản phương Tây, thì việc Hồ Chí Minh nhận thức rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản qua sự kiện Hội nghị Vécxay năm 1919 có thể coi là mốc kết thúc của quá trình thẩm định mô hình nhà nước và thể chế chính trị tư sản phương Tây.

Chặng thứ ba, từ 1919 đến 1920: Đây là thời gian Hồ Chí Minh chuyển biến tư tưởng chính trị từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống sang chủ nghĩa yêu nước cách mạng, theo lập trường vô sản. Rất nhiều người nói về sự kiện Hồ Chí Minh đọc “Sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa ” của V.I Lênin rồi tin theo chủ nghĩa Mác-Lênin, song ít nói rõ là Luận cương ấy có nội dung như thế nào. Bản Luận cương ấy của V.I. Lênin được đăng trên Báo Nhân Đạo, của Đảng Xã hội Pháp, tháng 7/1920, không phải là bản toàn văn đầy đủ, mà chỉ là những ý chính, nên gọi là bản sơ thảo, hay bản đề cương.

Trong bản Luận cương đó, V.I Lênin cho rằng do chủ nghĩa tư bản phương Tây sang xâm chiếm phương Đông làm thuộc địa, nên phong trào giải phóng dân tộc ở phương Đông là phong trào chống tư bản thực dân, đế quốc. Đã là phong trào chống tư bản đế quốc thì tự nó là phong trào vô sản. Phong trào giải phóng dân tộc có đối tượng đấu tranh là chủ nghĩa tư bản thì đương nhiên thuộc phạm trù cách mạng vô sản. Đã là cách mạng vô sản thì nó - phong trào giải phóng dân tộc, phải theo con đường cách mạng vô sản, theo chủ nghĩa Mác-Lênin, do Đảng Cộng sản lãnh đạo mới thành công triệt để được.

Nghĩa là cách mạng vô sản không chỉ có cuộc đấu tranh của vô sản chống tư bản ở các nước tư bản ở phương Tây như C.Mác, Ph.Ang ghen đã từng nói khi chủ nghĩa tư bản đang ở thời kỳ tự do cạnh tranh, mà ở thời kỳ mới, thời kỳ chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang chủ nghĩa đế quốc, thì phong trào cách mạng vô sản phải bao gồm cả phong trào giải phóng dân tộc ở phương Đông. Nói cách khác, theo V.I Lênin, cách mạng vô sản thế giới có hai bộ phận: cách mạng vô sản ở chính quốc (phương Tây) và cách mạng giải phóng dân tộc ở thộc địa (phương Đông). Nghĩa là “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại,” chứ không chỉ là “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại.” Như vậy, độc lập dân tộc trong thời đại mới là có xu hướng xã hội chủ nghĩa, là gắn với chủ nghĩa xã hội, sau khi giành được độc lập thì thể chế chính trị mới, nhà nước kiểu mới được thiết lập là thể chế chính trị kiểu mới, là nhà nước của dân, do dân, vì dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Hồ Chí Minh đọc và hiểu được chân lý đó, nên Người vừa hiểu được nguyên nhân thất bại của các phong trào dân tộc, dân chủ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, vừa nhận thức được con đường đi tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản: “ Muốn cứu nước và giải phong dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”, “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động” .

Giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản là giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng nhân dân lao động, giải phóng con người, giành độc lập dân tộc là mục đích bức xúc trước mắt, để mở đường, còn giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động mới là mục đích lâu dài và cuối cùng. Theo đó, khi giành lại được độc lập phải đi tới thiết lập một thể chế chính trị mà quyền lực thuộc về số đông, “chứ không ở trong tay một số ít người,” đó là thể chế chính trị của nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Điều đó cũng có nghĩa là năm 1920, khi Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản là lúc Người tìm được con đường cứu nước mới, con đường có thể đạt được mục tiêu “kép” của mình, vừa cứu được nước, vừa cứu được dân .

Tìm được con đường cứu nước mới như vậy thực chất là tìm được thể chế chính trị-mô hình xã hội tương lai của nước Việt Nam, một thể chế chính trị-nhà nước do nhân dân làm chủ “ích quốc, lợi dân.” Nói cách khác, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản là phương pháp hữu hiệu, là giải pháp cách mạng đúng đắn, thích hợp để đạt tới mục tiêu cách mạng, đi tới thể chế chính trị, mô hình nhà nước kiểu mới, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, là đi tới xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước manh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Nội dung thể chế chính trị - Mô hình nhà nước kiểu mới của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam

Khi Hồ Chí Minh quyết định cứu nước theo con đường cách mạng vô sản thì cũng có nghĩa là Hồ Chí Minh lựa chon mô hình nhà nước tương lai cho Việt Nam là chế độ do nhân dân làm chủ, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, song mô hình cụ thể của thể chế chính trị đó, các đặc trưng cơ bản của mô hình nhà nước đó vẫn còn tiếp tục được tìm tòi khảo cứu.

Trong các bài viết của Hồ Chí Minh thể hiện trên báo Le Paria, báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp, trên các báo ở Liên Xô, trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp và nhất là sau này, trong tác phẩm "Đường Kách mệnh" (1927), mô hình thể chế chính trị-nhà nước tương lai của Việt Nam dần dần được hình thành. Mô hình - các đặc trưng của thể chế chính trị-nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh và cách thức đi tới nhà nước nước ấy đại thể có các nội dung như sau:

1. Giành độc lập dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, bằng sự nỗ lực của toàn dân tộc.
2. Sau khi giành được độc lập, sẽ lập ra nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về đa số dân chúng, trong đó công nông là gốc, là chủ.
3. Nhà nước ấy, chế độ ấy thực hiện dân tộc độc lập, con người tự do, nhân dân hạnh phúc, mục tiêu cuối cùng là đi tới xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa.
4. Thế chế ấy, nhà nước ấy có thể được xác lập trước nhà nước vô sản ở chính quốc
5. Thể chế ấy, nhà nước ấy phải được thiết lập, xây dựng theo những cách thức, phương pháp khoa học, đúng đắn
6. Thể chế ấy, nhà nước ấy có quan hệ đoàn kết với các phong trào vô sản, phong trào giải phóng dân tộc, với các chính thể xã hội chủ nghĩa, dân chủ trên thế giới.
7. Thế chế ấy, nhà nước ấy do Đảng Cộng sản lãnh đạo, Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin.

Khi nói Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước là tìm một mô hình nhà nước mới, nhà nước do nhân dân làm chủ, có Đảng Cộng sản lãnh đạo thì cũng có nghĩa là quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin váo Việt Nam là quá trình truyền bá mô hình nhà nước, thể chế chính trị kiểu mới ấy vào Việt Nam. Khi nói phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp thu con đường cách mạng Hồ Chí Minh thì cũng có nghĩa là các phong trào đó tiếp thu thể chế chính trị, mô hình nhà nước do nhân dân làm chủ, là hướng tới chế độ chính trị, nhà nước do nhân dân làm chủ.

Theo đó, khi nói phong trào dân tộc, dân chủ phát triển thành phong trào cách mạng vô sản thì cũng có nghĩa là các phong trào ấy chuyển sang mục tiêu thiết lập thể chế chính trị, mô hình nhà nước do nhân dân làm chủ, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đây mới là đích thực của phong trào cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc không tiến tới tái lập chế độ phong kiến như các cuộc khởi nghĩa, kháng chiến trong lịch sử Việt Nam, cũng không lập ra chế độ, thể chế t ư bản chủ nghĩa như cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp, mà là như cách mạng Nga, một thể chế của số đông, của nhân dân.

Do có định hướng đúng đắn về mục đích đấu tranh, một cuộc đấu tranh không chỉ đưa lại độc lập, mà quan trọng hơn là để kiến lập chế độ dân chủ, mà phong trào chống đế quốc, chống phong kiến ở nước ta bùng phát mạnh mẽ. Khi phong trào đã trở thành phong trào vô sản thì sẽ dẫn tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản và tiến tời thành lập Đảng Cộng sản ở nước ta đầu năm 1930. Phong trào giải phóng dân tộc theo khuynh hướng chính trị vô sản thực chất là phong trào dân tộc dân chủ hướng tới xã hội do nhân dân làm chủ, nhằm thành lập nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình hành động tóm tắt của Đảng, trong Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng của Hồ Chí Minh (tháng 2/1930) cũng như trong Luận cương chánh trị của Đảng (tháng 10/1930), những nội dung của thể chế chính trị, của mô hình nhà nước kiểu mới được trình bày cô đọng, nhưng rất rõ ràng: Đó là mô hình mô phỏng nhà nước Xô viết công nông binh ở Nga. Các đặc trưng của mô hình nhà nước công nông binh và cách thức đạt tới mô hình nhà nước ấy có các nội dung cơ bản như sau:

- Làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản;
- Đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến, địa chủ, dựng nên chính phủ công nông binh;
- Tịch thu ruộng đất của đế quốc chia cho dân cày nghèo; thịch thu sản nghiệp của tư bản đế quốc giao cho chính phủ công nông binh.
- Phát triển công nghiệp, nông nghiệp;
- Phổ thông giáo dục theo công nông hóa;
- Xây dựng quân đội công nông;
- Thực hiện nam nữ bình quyền;
- Đoàn kết các tầng lớp nhân dân, coi trọng quyền lợi công nông;
- Liên lạc với vô sản và các dân tộc bị áp bức;
- Phương pháp đấu tranh là sử dụng bạo lực cách mạng;
- Lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân, thông qua Đảng Cộng sản.

Vào thời điểm năm 1930, khi chưa có mô hình nhà nước, thể chế chính trị nào khả dĩ thích hợp hơn ngoài chế độ Xô viết ở Nga, thì lựa chọn mô hình đó là đúng đắn, tiến bộ, tạo nên động lực mới cho phong trào cách mạng Việt Nam mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931.

Trong quá trình cách mạng tiếp theo, bằng khảo nghiệm, bằng nghiên cứu tổng kết lý luận về mô hình thể chế chính trị, mô hình nhà nước trên thế gới và thực tế Việt Nam, Hồ Chí Minh và Đảng đi tới mô hình nhà nước cộng hòa dân chủ Đông Dương, tạo nên động lực làm xuất hiện cao trào vận động dân chủ sôi nổi trong những năm 1936-1939. Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939-1945, Hồ Chí Minh và Đảng tiếp tục tìm tòi, khảo nghiệm và đi tới lựa chọn thể chế chính trị, mô hình nhà nước thích hợp hơn, đó là thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thể chế chính trị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là mô hình nhà nước, là thể chế chính trị mới được Hồ Chí Minh và Đảng xác định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tháng 5/1941. Mặt trận Việt Minh là một kiểu nhà nước tiền chính phủ với chương trình hành động thể hiện rõ quyền lực thuộc về nhân dân, một thể chế chính trị xã hội, một mô hình nhà nước quá độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mô hình đó, thể chế đó là động lực, là ngọn cờ vẫy gọi toàn thể dân tộc Việt Nam vùng lên làm cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Tóm lại, Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, nói như nhà thơ Chế Lan Viên, là “đi tìm hình của nước.” “Đi tìm hình của nước” là đi tìm thể chế chính trị, mô hình nhà nước kiểu mới cho đất nước và dân tộc Việt Nam .

Thoạt đầu, mô hình nhà nước, thể chế chính trị mà Hồ Chí Minh và Đảng xác định là thể chế mang sắc thái của chính quyền Xô viết công nông binh, rồi từng bước đi tới thể chế chính trị dân chủ cộng hòa Đông Dương, cuối cùng là mô hình Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945 và sự tiếp nối bằng Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục