Tìm giải pháp mới để phát hiện và kiểm soát bệnh lao ở Việt Nam

Hội thảo "Tìm kiếm giải pháp mới nhằm đối đầu với thách thức mới trong phát hiện và kiểm soát bệnh lao tại Việt Nam” diễn ra tại TP.HCM.
Tìm giải pháp mới để phát hiện và kiểm soát bệnh lao ở Việt Nam ảnh 1Xét nghiệm bệnh lao (phòng cấy tìm trực khuẩn lao) tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Trong hai ngày 10 và 11/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Hội thảo "Tìm kiếm giải pháp mới nhằm đối đầu với những thách thức mới trong việc phát hiện và kiểm soát bệnh lao tại Việt Nam."

Hội thảo do Tổ chức quốc tế về những cải tiến cho sức khoẻ (HIP) phối hợp với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức, nhằm tập hợp các ý kiến của chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về các giải pháp mới cho các thách thức trong việc phát hiện và kiểm soát bệnh lao tại Việt Nam.

Tại hội thảo, tiến sĩ Martina Casenghi, chuyên gia về bệnh lao của Tổ chức Thầy thuốc không biên giới cho rằng, các công cụ chẩn đoán nhanh chóng và phân cấp của bệnh lao kháng thuốc có vai trò rất lớn trong phát hiện và kiểm soát bệnh này, bao gồm cả việc rút ngắn thời gian chẩn đoán và cải thiện cách tiếp cận.

Việc chẩn đoán kịp thời và chính xác bệnh lao là bước quan trọng đầu tiên để đảm bảo bệnh nhân được bắt đầu điều trị thích hợp và hiệu quả. Qua đó có thể phân cấp nhanh chóng tình trạng bệnh, đây cũng là bước hiệu quả để giải quyết bệnh lao kháng thuốc.

Để chẩn đoán bệnh kịp thời phải dựa vào hệ thống xét nghiệm, chẩn đoán ban đầu nhanh và chuẩn xác. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Vi sinh (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch), cho biết hiện nay có nhiều công nghệ đang được sử dụng để chẩn đoán ban đầu ở bệnh lao. Mục đích chính của xét nghiệm tuyến cơ sở là có thể quyết định điều trị ngay trong lần khám ban đầu.

Trong đó, kỹ thuật Gene Xpert là tiên tiến và then chốt nhất đang được áp dụng ở một số bệnh viện tuyến tỉnh và quận, huyện để làm xét nghiệm chẩn đoán ban đầu cho những trường hợp nghi mắc lao kháng đa thuốc hoặc lao đồng nhiễm HIV.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, các tiếp cận của kỹ thuật này còn khá hạn chế và giá thành sản phẩm tương đối cao. Trong khi đó, hiện nay, Chương trình phòng chống lao quốc gia cũng đang phải đối mặt với khó khăn về tài chính do nguồn viện trợ quốc tế đang giảm dần.

Vì vậy, đã đến lúc cho ra đời một phương pháp chẩn đoán mới - xét nghiệm sinh học phân tử với kết quả nhạy và chuẩn xác hơn so với xét nghiệm hiển vi đờm. Phương pháp này cũng có kết quả nhanh hơn trong việc hỗ trợ điều trị ban đầu cho những bệnh nhân lao.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận chia sẻ các đánh giá nhu cầu thực tại về khía cạnh y tế đối với bệnh lao ở Việt Nam, các vấn đề liên quan đến nhu cầu nghiên cứu và phát triển các biện pháp phát hiện sớm và trong điều trị bệnh. Từ đó, làm cầu nối cho những phương pháp thực hành y tế lao hiện nay với các đổi mới về mặt kỹ thuật.

Hội thảo cũng đề cập tới vấn đề sở hữu trí tuệ và sự phát triển của nhu cầu đổi mới theo định hướng cho sức khoẻ tại các quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục