Tìm hướng đi mới trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công

Sau khi xem xét, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thấy rằng có khoảng 10 vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào Pháp lệnh người có công.
Tìm hướng đi mới trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công ảnh 1Các thương binh nặng, người có công với cách mạng tập phục hồi chức năng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có những chia sẻ về những kết quả đã đạt được trong công tác "Đền ơn đáp nghĩa" thời gian qua; giải pháp để giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng; hướng đi mới trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong giai đoạn tiếp theo.

- Xin Bộ trưởng đánh giá kết quả đã đạt được trong công tác "Đền ơn đáp nghĩa"?


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã Chỉ thị chọn một ngày trong năm là ngày Thương binh-Liệt sỹ. Ngày 27/7 đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta chọn là Ngày Thương binh-Liệt sỹ; đây là một dấu ấn lịch sử rất quan trọng.

70 năm qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã kiên trì thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Đền ơn đáp nghĩa," thực hiện các chính sách về ưu đãi người có công với cách mạng. Đây là chủ trương nhất quán trong thời gian qua; hệ thống chính sách về ưu đãi người có công được từng bước thiết lập, hoàn thiện một cách đồng bộ, toàn diện.

70 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất to lớn trên lĩnh vực ưu đãi đối với người có công. Đại bộ phận thương, bệnh binh, người có công, gia đình liệt sỹ đã được hưởng đúng, đủ, kịp thời những chính sách ưu đãi của Nhà nước. Quan trọng hơn là 9 triệu người có công đã nhận được những tình cảm, sự trân trọng từ trái tim, khối óc của nhân dân cả nước.

Nhiều địa phương, chính quyền các cấp, người dân đã thể hiện tình cảm, tấm lòng cũng như trách nhiệm đối với người có công một cách hiệu quả, thiết thực. Thời gian tới, hoạt động tri ân, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công sẽ ngày càng được thực hiện tốt hơn.


- Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có những hoạt động gì để tri ân các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng, thưa Bộ trưởng?


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức cấp Quốc gia và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ.

Hiện, 63/63 tỉnh, thành trong cả nước đều đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ. Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành hàng ngàn tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, các đền thờ, nghĩa trang liệt sỹ; sửa chữa, xây mới 4100 căn nhà của người có công thực hiện trong hai năm 2017-2018.

- Một vấn đề mà Bộ trưởng cũng như ngành lao động-thương binh và xã hội trăn trở, nhiều gia đình khắc khoải chờ đợi, đó là đến nay cả nước vẫn còn khoảng 5.900 hồ sơ người có công còn tồn đọng, chưa được giải quyết. Bộ trưởng có thể cho biết, thời gian qua, Bộ đã có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này để bảo đảm tính khách quan, đầy đủ về mặt chính sách?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Theo con số kê khai, hiện vẫn còn tồn đọng khoảng 28.500 hồ sơ người có công, chủ yếu rơi vào ba đối tượng: liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học và các thế hệ sau; những người tham gia thanh niên xung phong chưa được hưởng chính sách đối với thanh niên xung phong.

Trong 28.500 hồ sơ đó, có khoảng 5.900 hồ sơ kê khai cần được xem xét để xác nhận là liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh đang tồn tại tại các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, ở ngành quân đội, ngành công an. Đây là sự trăn trở đối với ngành lao động-thương binh và xã hội và nhận được sự quan tâm rất sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Giải quyết vấn đề này không dễ, bởi chiến tranh đã qua mấy chục năm, những hồ sơ, những trường hợp đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn đã được giải quyết. 5.900 hồ sơ này rơi vào những trường hợp không có hồ sơ gốc; không đủ hồ sơ chứng cứ hoặc người làm chứng không còn nữa. Nếu không có cách làm mới, "món nợ" này sẽ không bao giờ trả được.

Với quyết tâm chính trị cao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã mạnh dạn tìm một hướng đi đột phá và làm thí điểm tại năm tỉnh: Long An, Đà Nẵng, Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình. Từ năm tỉnh này, Bộ rút kinh nghiệm, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và xây dựng một quy trình do Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành với bảy bước. Trong đó, điều quan trọng nhất là dựa vào dân, dựa vào lực lượng cốt cán lão thành cách mạng, dựa vào những người tham gia kháng chiến cùng thời kỳ.

Các hoạt động này được thực hiện theo nguyên tắc: công khai, minh bạch, đặc biệt là thông tin rộng rãi nhất là các phương tiện thông tin đại chúng, không cho phép bất cứ trường hợp nào có thể trục lợi chính sách, từ đó góp phần đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề này. Không điều gì có thể qua mắt được nhân dân, nhân dân là người tinh tường nhất. Điều quan trọng nhất là phải dựa vào dân, dựa vào các đồng chí lão thành cách mạng và các cơ quan thông tin đại chúng.

[Giải trình việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở với người có công]

Đến nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương công nhận được trên 2.000 trường hợp là thương binh và người hưởng tiêu chuẩn như thương binh; trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới và đổi 42.000 bằng Tổ quốc ghi công.

Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, Bộ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 498 trường hợp. 498 trường hợp này là những hồ sơ tồn đọng từ khá nhiều năm, tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn nên các địa phương đã phải bằng mọi cách tích cực nhất, khai thác tối đa các nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau. Điều day dứt, cảm động là trong các trường hợp này, có 94 liệt sỹ đã hy sinh 60 năm trở lên. Đây là một việc làm có ý nghĩa, là một nhén tâm nhang của những người làm công tác Thương binh-Liệt sỹ gửi đến các liệt sỹ nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ.

Từ kinh nghiệm đã triển khai, sau ngày 27/7, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ công tác sẽ họp, rút kinh nghiệm quá trình thực hiện để cập nhật, bổ sung thêm những bước đi tiếp theo, theo nguyên tắc cởi mở hơn, thông thoáng, đúng quy định của pháp luật.


- Thưa Bộ trưởng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng khai man, làm giả hồ sơ thương binh, liệt sỹ, người có công để trục lợi?


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Đây là vấn đề dư luận rất bức xúc thời gian qua. Tổng rà soát chính sách người có công cho thấy tỷ lệ khai man, trục lợi chính sách chiếm 0,04%. Đây là con số nhỏ nhưng gây ra bất bình trong nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo quyết liệt và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng tích cực triển khai thanh tra 29 tỉnh, thành phố, năm quân khu, phát hiện, ngăn chặn, thu hồi về trục lợi chính sách hàng trăm tỷ đồng; tiến hành khởi tố, bắt giam, kết án hàng trăm trường hợp; tuyên dương, bảo vệ các điển hình tố cáo những trường hợp vi phạm.

Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng sẽ làm quyết liệt hơn các trường hợp này với phương châm "Tất cả những người qua thanh, kiểm tra mà phát hiện được đều bị xử lý nghiêm."

Nhân đây, tôi kêu gọi quần chúng nhân dân hãy tố giác những người trục lợi chính sách; mong các cơ quan Thông tấn, báo chí vào cuộc quyết liệt lên án các hành vi sai trái. Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khuyến khích những người dân do không biết, không hiểu hoặc vì những lý do khác nhau mà hưởng sai chính sách hãy tự nguyện, tự giác trả lại sẽ không bị hồi tố. Tôi tin tưởng với sự đồng tình của nhân dân, những hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách sẽ được ngăn chặn.


- Một vấn đề nữa đặt ra là hiện vẫn còn rất nhiều liệt sỹ chưa được quy tập về các nghĩa trang liệt sỹ cũng như chưa được xác định danh tính. Thời gian tới, Bộ có giải pháp gì để đẩy nhanh việc thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đây chính là điều day dứt nhất. Hiện, vẫn còn 300.000 hài cốt liệt sỹ còn chưa xác định được danh tính và trên 200.000 liệt sỹ chưa được quy tập hài cốt về các nghĩa trang. Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. 21 đội quy tập hài cốt liệt sỹ đã được hình thành, ngày đêm lăn lộn ở vùng sâu, vùng xa, các nước bạn để tìm kiếm.

Chiến tranh đã lùi xa, địa hình, địa vật thay đổi, người chứng kiến không còn nữa nhưng với quyết tâm chỉ cần còn một manh mối nhỏ nhất sẽ thực hiện đến cùng. Chủ trương của Chính phủ là thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng thêm các đội quy tập; khuyến khích mọi người dân, kể cả những người trước đây ở bên kia chiến tuyến tham gia phát hiện, cung cấp thông tin. Đồng thời, tăng cường xây dựng, hỗ trợ các trang thiết bị, điều kiện thiết bị cho các đội quy tập; khuyến khích các cựu chiến binh, còn sức khỏe có thể tham gia trở lại chiến trường xưa, cùng các đội quy tập để tìm kiếm thi hài đồng chí, đồng đội.

Mặt khác, Chính phủ đã, đang chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng hệ thống quản lý thông tin về bia mộ liệt, đài ghi danh để người dân trên cả nước có thể vào để tìm mộ thân nhân. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang khẩn trương thực hiện việc xác định danh tính, gắn với việc xây dựng ngân hàng gene. Theo đó, bên cạnh việc giám định trực tiếp, thực chứng, ngân hàng gene sẽ xác định gene của từng mộ liệt sỹ, để từng gia đình liệt sỹ có thể tự đối chiếu. Phấn đấu năm 2018, hai ứng dụng thông tin này sẽ được triển khai, góp phần đẩy nhanh việc quy tập cũng như việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.

- Thưa Bộ trưởng, để phù hợp với tình hình mới, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng sẽ có những thay đổi gì?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành tổng kết Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Vừa qua, Pháp lệnh người có công và hệ thống pháp luật của nước ta tương đối đồng bộ, mở rộng và phần đông các đối tượng người có công đã được hưởng chính sách này. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát chính sách này trong thực tiễn.

Sau khi xem xét, Bộ thấy rằng có khoảng 10 vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào Pháp lệnh. Điển hình như đối tượng người có công tham gia kháng chiến, người có công với cách mạng, người giúp đỡ cách mạng... nhưng đang định cư ở nước ngoài; đối tượng đời thứ ba bị nhiễm chất độc hóa học do ông, bà tham gia bị nhiễm chất độc hóa học; người tham gia kháng chiến giai đoạn 1974-1975... Nhưng, vẫn còn đó một số khó khăn. Đó là việc phấn đấu để tất cả người có công được hưởng chính sách ưu đãi nhưng phải cân đối hài hòa với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước. Đồng thời, bên cạnh việc mở rộng đối tượng cởi mở hơn, thông thoáng hơn, nhất là trong việc giải quyết các tồn đọng người có công, phải có biện pháp ngăn chặn được tình trạng trục lợi chính sách; tuy nhiên, nếu làm chặt chẽ quy trình sẽ khó khăn bởi nhiều người có công không còn giấy tờ để xác nhận.

Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng theo hướng toàn diện hơn, đầy đủ hơn, mang tính thực tiễn hơn, phù hợp với từng đối tượng người có công hơn.


- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục