Tín dụng 2 tháng đầu năm 2015 tăng trưởng dương 0,68%

Khác với những năm trước, hoạt động cho vay trong 2 tháng đầu năm 2015 ghi nhận mức tăng trưởng dương với mức tăng 0,68% so với đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 2,67%.
 Tín dụng 2 tháng đầu năm 2015 tăng trưởng dương 0,68% ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chiều ngày 17/3, Ngân hàng Nhà nước phát thông cáo báo chí chi biết, khác với những năm trước, hoạt động cho vay trong 2 tháng đầu năm 2015 ghi nhận mức tăng trưởng dương với mức tăng 0,68% so với đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 2,67%.

Đây là tín hiệu tích cực về hoạt động tiền tệ, ngân hàng năm 2015, mà đòn bẩy chủ yếu là những nỗ lực không ngừng của ngành ngân hàng. Từ nhiều năm qua, các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ tập trung vào việc kiểm soát lạm phát, từng bước đưa lạm phát xuống mức thấp và ổn định giá trị đồng VND đã trở thành cơ sở quan trọng để các tổ chức tín dụng giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay.

Bên ngoài ngành ngân hàng, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, giá dầu thế giới giảm mạnh và kỳ vọng sẽ ở mức hợp lý trong dài hạn là những yếu tố khuyến khích nhiều doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài hoạt động cầm chừng.

Để chấn chỉnh hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất huy động theo lộ trình từng bước, chủ yếu là dựa trên tín hiệu lạm phát và khả năng thanh toán của các tổ chức tín dụng đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét giảm dần lãi suất đối với những khoản vay cũ nhằm chia sẻ khó khăn cùng khách hàng vay vốn.

Đây là biện pháp gây tác động kép, buộc các tổ chức tín dụng phải tăng cường kiểm soát dòng vốn và nâng cao năng lực quản trị rủi ro tín dụng. Nhờ đó, thanh khoản của các tổ chức tín dụng đã từng bước được cải thiện, góp phần ổn định thị trường tài chính và đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho nền kinh tế với mức lãi suất ngày càng giảm, phù hợp với tình hình thực tế trong nền kinh tế.

Đến nay, lãi suất cho vay VND dành cho các lĩnh vực ưu tiên được các tổ chức tín dụng áp dụng phổ biến ở mức 7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay trung dài hạn được các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng ở mức 9-10%/năm; lãi suất cho vay dành cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 9,5-11%/năm đối với trung dài hạn.

Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay đang thấp hơn mức lãi suất trong thời kỳ 2005-2006. Từ những ngày đầu tháng 3/2015, mặt bằng lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng được nhiều ngân hàng áp dụng dưới mức trần 5,5%/năm theo qui định, tạo ra xu hướng giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, được kỳ vọng là giảm thêm 1-1,5%/năm trong năm nay. Lạm phát thấp và lãi suất huy động giảm cũng tạo động lực thôi thúc các nhà đầu tư tìm kiếm những kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn như mua cổ phiếu, đầu tư nhà đất.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn ở phía trước, song tình hình năm 2015 có một số thuận lợi cơ bản. Bên cạnh nỗ lực riêng của ngành ngân hàng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hoạt động tiền tệ, ngân hàng năm 2015 đang tiến triển theo xu hướng lạc quan, là cơ sở đảm bảo thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 và các nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ về mở rộng tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu giảm nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục