Tín dụng 4 tháng tăng cao nhất kể từ năm 2009 trở lại đây

Tính đến cuối tháng Tư, tín dụng tăng 5,76%, đây là mức cao nhất trong vòng 8 năm qua kể từ giai đoạn tín dụng tăng trưởng nóng năm 2009.
Tín dụng 4 tháng tăng cao nhất kể từ năm 2009 trở lại đây ảnh 1(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Tính đến cuối tháng Tư, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây; trong đó tín dụng VND tăng 5,87% và tín dụng ngoại tệ tăng 4,64%.

Thông tin này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng công bố tại hội nghị Thủ tướng đối thoại doanh nhân “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Tăng cao nhất trong vòng 8 năm

Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, đây là con số cao nhất về tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm nay, cũng là mức cao nhất trong vòng 8 năm qua kể từ giai đoạn tín dụng tăng trưởng nóng năm 2009.

Ngay từ khi kết thúc quý 1, tại các Đại hội cổ đông thường niên, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố về kết quả tăng trưởng tín dụng cao như Lienvietpostbank (11%), Ngân hàng Kiên Long (10,3%), Ngân hàng Sài Gòn (9%), ACB (8,3%).

Còn tại khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước cũng đã tăng rất mạnh như Vietcombank (8,3%); VietinBank cũng tăng lên ngưỡng 4% so với đầu năm và dư nợ tín dụng ước đạt hơn 752.000 tỷ đồng. Còn BIDV đạt mức tăng tương đương hơn 4%.

Những con số tăng trưởng này được thể hiện ở kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 1 của Tổng Cục thống kê cho thấy có 33,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 1 tốt hơn quý trước. Dự kiến trong quý 2, hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn.

Đặc biệt, trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh trong quý 1, số doanh nghiệp cho rằng có khó khăn về tài chính khoảng 34,5% và chỉ có khoảng 27% doanh nghiệp được hỏi nói rằng lãi suất vay vẫn còn cao.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng cho biết, trong thời gian qua, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ (chiếm khoảng 50% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 19%; tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Về tín dụng trung-dài hạn, hiện nay tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 53% tổng dư nợ tín dụng trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn toàn hệ thống tổ chức tín dụng chỉ chiếm khoảng 15% đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên để tạo nguồn vốn đầu tư, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi lẽ ra vốn đầu tư trung dài hạn của doanh nghiệp phải được huy động từ thi trường vốn, thị trường chứng khoán; nhưng do các thị trường này chưa phát triển, vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu thực hiện qua hệ thống ngân hàng.

Nhận xét về dòng tiền chảy trong hệ thống, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tín dụng vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với những lĩnh vực này chiếm khoảng 80%. Tín dụng đạt mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, là tín hiệu tích cực cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tương đối tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn và lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có cải thiện tích cực.

Tín dụng 4 tháng tăng cao nhất kể từ năm 2009 trở lại đây ảnh 2Giao dịch tại TPBank. (Nguồn: TPBank)

Chất lượng tín dụng tốt hơn

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng đưa ra phân tích, tăng trưởng tín dụng cao là tín hiệu tích cực, thể hiện sự hấp thụ tốt nguồn vốn của nền kinh tế, tuy nhiên cũng làm dấy lên lo ngại về rủi ro xuất hiện bong bóng tín dụng, như những gì đã xảy ra giai đoạn năm 2009 khi tín dụng tăng trưởng nóng. Mặc dù vậy, nếu so với giai đoạn năm 2009, có thể đánh giá tín dụng ở giai đoạn hiện tại có chất lượng tốt hơn hẳn với tỷ trọng phần lớn được đưa vào lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp thay vì các lĩnh vực phi sản xuất như chứng khoán, bất động sản.

“Nhìn chung, tín dụng tăng trưởng ‘nóng’, tập trung vào các lĩnh vực phù hợp là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vấn đề này cần được giám sát và theo dõi chặt chẽ. Các cơ quan quản lý cần đảm bảo nguồn tín dụng hoạt động hiệu quả, chảy vào đúng nơi, đúng chỗ, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn không để bong bóng tài sản xảy ra,” các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt khuyến cáo.

Tín dụng tăng cao cũng đang là cơ hội để các ngân hàng thương mại bắt đầu sàng lọc đối tác như căn chỉnh lại cơ cấu khách hàng và hiệu quả sử dụng vốn, để đầu tư cho chất lượng các dự án.

Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, mặc dù nhu cầu tín dụng tăng cao nhưng sẽ không chạy theo kiểu cạnh tranh vô lối mà tập trung ở những khách hàng có hiệu quả sử dụng vốn tốt. Đặc biệt sẽ loại trừ dần những khách hàng cố tình lợi dụng vay lãi suất thấp để đi gửi lấy lãi suất cao.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, trong đó đặc biệt là các dự án hiệu quả, các doanh nghiệp, dự án đầu tư có chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trong khu vực và thị trường thế giới; các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức cấp tín dụng theo hướng có sự chọn lọc ưu tiên phân loại doanh nghiệp góp phần vào các chương trình tái cơ cấu sản xuất.

Cũng theo người đứng đầu ngành ngân hàng, nhu cầu vốn của doanh nghiệp còn rất lớn, mặc dù ngành ngân hàng đã rất tích cực huy động vốn để đảm bảo đáp ứng cho nền kinh tế, song một phần lớn nguồn lực vẫn còn chưa được khơi thông, đang nằm ở các khoản nợ xấu và các tài sản bảo đảm chưa được xử lý. Ngân hàng Nhà nước cũng đang trình Chính phủ, Quốc hội để sớm có Nghị quyết về xử lý nợ xấu, giải phóng các khoản nợ xấu này nhằm tái tạo nguồn vốn lớn để mở rộng cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nợ xấu đã được xử lý tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục