Tín dụng ưu đãi tiếp sức phủ xanh đồi chè Thái Nguyên

Nhờ cây chè, đa số các hộ trồng chè ở Thái Nguyên đã vươn lên thoát nghèo, sắm sửa đồ đạc, xây dựng nhà khang trang, nuôi con ăn học đàng hoàng hơn.
Tín dụng ưu đãi tiếp sức phủ xanh đồi chè Thái Nguyên ảnh 1Ông Hoàng Xuân Thuỷ đang chăm sóc vườn chè. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Chúng tôi tìm đến xứ chè tại thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên vào buổi gần trưa. Đi trên những con đường, thấy từ các nóc nhà khói lò sao chè thi nhau ​bay lên, tiếng máy sao cùng máy vò chạy lách cách cả một vùng. Vì là gần trưa nên bắt gặp rất những thúng, tải những búp chè tươi non.

Có thể nói rằng, tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng và đẩy mạnh chuyển đổi từ giống chè Thái Nguyên trung du sang trồng các giống chè cành có năng suất và chất lượng cao như chè Bát Tiên, Kim Tuyên, chè Nhật, Phúc Vân Tiên, Nhất phẩm… đã góp phần tạo nên sức sống mới của làng nghề chè truyền thống bên bờ sông Cầu thân thương này.

Gia đình anh Hoàng Xuân Thuỷ ở xóm 5 (thị trấn Sông Cầu) rất tâm huyết với cây chè từ bao năm nay. Từ diện tích trồng khiêm tốn nhưng do chắt chiu dành dụm nên quy mô vườn chè của của gia đình anh ngày càng mở rộng.

Cách đây ba năm, cùng với số tiền tích cóp của gia đình, anh Thuỷ mạnh dạn vay thêm từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đồng Hỷ 20 triệu đồng ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm. Đến nay, gia đình anh đã có 2.000m2 chè lai LDP1 trồng theo tiêu chuẩn VietGap, 3.000m2 chè Kim Tuyên và 1.500m2 chè Khúc Vân Tiên. Doanh thu từ cây chè bình quân từ 25 đến 30 triệu đồng/tháng, với sản lượng từ 1,7 đến 2,5 tạ chè khô/tháng.

"Vốn vay không nhiều nhưng tín dụng chính sách đã tiếp sức cho tôi giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Vào kỳ thu hoạch chè, gia đình phải thuê thêm thuê 7-10 lao động thời vụ, với giá tiền công 14.000 đồng/giờ," ông Thủy chia sẻ.

Vừa chỉ vào máy sao chè, hút chân không, anh Thủy cho biết: “Tôi mới vay thêm tiền của Ngân hàng Chính sách để mua máy sao chè, hút chân không để tăng chất lượng và bảo quản chè tốt hơn. Có máy hỗ trợ, gia đình cũng yên tâm tăng diện tích và sản lượng trồng chè.”

Không riêng gia đình anh Hoàng Xuân Thuỷ, nhiều hộ gia đình khác tại huyện Đồng Hỷ cũng đã có thu nhập cao từ trồng chè như gia đình anh Nguyễn Văn Thái (ở xã Khe Mo) từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 30 triệu đồng, sau hai năm đã có thu nhập riêng từ cây chè trung bình khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Chia tay làng chè xóm 5, chúng tôi đến với làng nghề chè truyền thống Sông Cầu xóm 9 với các sản phẩm trà Thái Nguyên thơm ngon.

Điều đặc biệt của xóm là có các cụ nắm được kinh nghiệm sản xuất chè truyền thống, sẵn sàng truyền cho con cháu và nhân dân trong xóm làng như cụ bà Lê Thị Tâm, cụ ông Nguyễn Văn Tơ, cụ bà Trần Thị Liên.

Hiện nay, diện tích trồng chè của xóm 5 và xóm 9 chiếm khoảng 20% diện tích chè của thị trấn. Điều khác biệt của 2 xóm này với các xóm khác của thị trấn là người dân ở đây đã phá bỏ diện tích chè trung du để trồng thay thế vào đó các giống chè cành như LDP1, TRI 777, Kim Tuyên...

Đặc biệt, đây cũng là 2 xóm đầu tiên của thị trấn đưa giống chè Nhật vào trồng. So với giống chè trung du, cánh chè Nhật sau khi chế biến nhỏ hơn, nhưng mùi vị của chè thơm hơn, khi pha, nước có màu xanh, vị ngọt dịu nhẹ.

Tín dụng ưu đãi tiếp sức phủ xanh đồi chè Thái Nguyên ảnh 2Búp chè được hái về đem sao. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Ông Vũ Trí Long, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 5, thị trấn Sông Cầu bộc bạch: Năm 2016 tổ có dư nợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách là 340 triệu đồng, nhưng nhu cầu của bà con cần tới trên 600 triệu đồng để cải tạo vườn chè, thay giống cũ bằng giống mới. Đó là chưa nói tới hệ thống tưới tiêu, một nhu cầu bức thiết của trồng chè thâm canh. Mỗi năm bà con chuyển 9-10 ha chè kém chất lượng sang trồng chè có chất lượng. Cây chè đã trở thành cây xóa nghèo, cây làm giàu ở vùng quê này, giúp các hộ gia đình nâng cao thu nhập, trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng đầy đủ, đúng kỳ hạn.

Bà Nguyễn Thị Mười, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Đồng Hỷ cũng cho biết, thị trấn Sông Cầu hiện có khoảng 400 ha chè, mỗi năm, các làng nghề cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn chè khô các loại. Nhờ cây chè, đa số các hộ trồng chè ở đây đã vươn lên thoát nghèo, sắm sửa đồ đạc, xây dựng nhà khang trang, nuôi con ăn học đàng hoàng hơn.

Mặc dù vậy, bà Mười cũng chia sẻ thêm, tuy giáp thành phố nhưng nhiều địa bàn tại huyện giao thông đi lại vẫn rất khó khăn, nhiều bản 100% dân tộc Mông, Dao (như bản Tèn, bản Mỏ Nước...). Để giúp bà con thoát nghèo, địa phương xác định chè là một trong những giống cây chủ lực phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Cũng theo bà Mười, hiện nay việc cho vay mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người dân. Kế hoạch vốn chưa đáp ứng đủ, nguồn vốn từ ngân sách địa phương còn hạn chế. Vốn cho vay giải quyết việc làm chưa được bổ sung mới, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn quay vòng, trong khi nhu cầu ngày càng lớn.

"Chúng tôi đã đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn tín dụng, đặc biệt đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo, cận nghèo... Vì vậy, đối với những làng nghề như thế này, trước mắt chúng tôi ưu tiên tập trung vốn cho nhu cầu giải quyết việc làm," bà Mười nhấn mạnh.

Chia tay những đồi chè xanh bát ngát và hàng trăm hộ dân làng chè ngày đêm chăm chỉ miệt mài chăm sóc trồng chế biến chè để cho ra hàng chục tấn chè sản phẩm bay tới muôn phương, phục vụ du khách khắp nơi mới thấy hết được sự vất vả nhưng rất có ích của những người trồng chè nơi đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục