Tín hiệu tích cực trong đàm phán TPP giữa Mỹ và Nhật Bản

Mỹ và Nhật Bản đang đứng trước cơ hội lớn để giải quyết các bất đồng trong đàm phán hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tín hiệu tích cực trong đàm phán TPP giữa Mỹ và Nhật Bản ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Danny Russel. (Nguồn: Xinhua)

Mỹ và Nhật Bản đang đứng trước cơ hội lớn để giải quyết các bất đồng trong đàm phán hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong bài phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Quốc tế, một nhóm nghiên cứu chiến lược ở thành phố New York, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Danny Russel khẳng định quá trình thương lượng TPP vẫn đang tiến triển và ông tin rằng việc đạt được một thỏa thuận với Nhật Bản là hoàn toàn "nằm trong tầm với."

Theo ông Russel, các lãnh đạo và bộ trưởng thương mại của toàn bộ 12 nước tham gia TPP đều quyết tâm hoàn tất thỏa thuận này trong năm nay. Thứ trưởng Russel cũng khẳng định TPP là một thỏa thuận có ý nghĩa không chỉ trên phương diện thương mại mà còn có cả về khía cạnh môi trường và lao động.

Ông Russel đưa ra phát biểu trên chỉ vài ngày trước chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Washington. Theo nhận định của giới quan sát, nhiều khả năng TPP sẽ là một trong những nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của Thủ tướng Abe tại các cuộc trao đổi của lãnh đạo Nhật Bản với giới chức Mỹ trong các ngày từ 26/4-3/5.

Trả lời tờ The Wall Street Journal (Nhật báo Phố Wall), Thủ tướng Abe cũng bày tỏ tin tưởng rằng triển vọng kết thúc TPP là hoàn toàn khả thi, đồng thời cho biết ông hy vọng hai nước sẽ tiếp tục có thêm tiến triển trong đàm phán.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết ông mong muốn có thể đạt được một thỏa thuận trong cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Mỹ Barack Obama, song tỏ thái độ thận trọng khi cho rằng giai đoạn cuối cùng luôn là giai đoạn khó khăn nhất. Theo Thủ tướng Abe, để vượt qua bất đồng, cả Washington và Tokyo cần đưa ra một quyết định chính trị.

Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.

Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Nhật Bản được đánh giá là "sống còn" đối với TPP vì hai nền kinh tế này gộp lại chiếm khoảng 80% sản lượng của toàn khối TPP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục