Tin nóng 10/1: Xôn xao "áo mới" Văn Miếu, cháy tàu du lịch Hạ Long

Văn Miếu-Quốc Tử Giám "khoác màu áo mới," tàu chở 14 du khách nước ngoài bốc cháy trên vịnh Hạ Long và cơ hội chiêm ngưỡng các bảo vật quốc gia lần đầu ra mắt là một số sự kiện đáng chú ý trong ngày.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám "khoác màu áo mới," tàu chở 14 du khách nước ngoài bốc cháy trên vịnh Hạ Long và cơ hội chiêm ngưỡng các bảo vật quốc gia lần đầu ra mắt là một số sự kiện đáng chú ý trong ngày 10/1.

1. Cháy tàu du lịch chở 14 du khách nước ngoài trên vịnh Hạ Long

Vào hồi 6 giờ 30 phút ngày 10/1, tại khu vực hang Luồn, gần đảo Titốp trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã xảy ra vụ cháy tàu Ánh Dương QN 3598 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Thương mại Ánh Dương 1. 

Tàu Ánh Dương do thuyền trưởng Nguyễn Bá Trọng điều khiển. Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người. 

Tàu Ánh Dương sau khi nghỉ đêm tại điểm Nhà Lát, hang Luồn, khu vực đảo Titốp trên đường về Tuần Châu thì xảy ra cháy. 

Khi phát hiện cháy, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường, kịp thời ứng cứu và đưa 14 du khách nước ngoài, 1 hướng dẫn viên, 6 thuyền viên trên tàu về bờ an toàn.

Để xác minh làm rõ vụ cháy và thanh tra lại công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ đội tàu, theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh đã tạm thời từ chối cấp phép rời cảng, bến, đình chỉ hoạt động trên vịnh Hạ Long đối với đội gồm 6 tàu (3 tàu nghỉ đêm, 3 tàu tiếng) thuộc Công ty TNHH Du lịch Thương mại Ánh Dương.

[Video hiện trường vụ cháy tàu du lịch trên vịnh Hạ Long]

Tin nóng 10/1: Xôn xao "áo mới" Văn Miếu, cháy tàu du lịch Hạ Long ảnh 1Hiện trường vụ tàu Ánh Dương QN 3598 bị cháy trên vịnh Hạ Long. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

2. Vì sao Văn Miếu-Quốc Tử Giám bỗng dưng "khoác màu áo mới"

Văn Miếu​-Quốc Tử Giám được "khoác áo mới" màu xám trắng làm mất đi vẻ rêu phong xưa cũ của di tích, không chỉ gây tranh cãi trong dư luận mà còn nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia lịch sử.

Về sự việc này, chiều 9/1, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết đây là công tác vệ sinh chống xuống cấp các hạng mục trong di tích và đã được sự đồng ý của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Trong đợt này, nhiều hạng mục tại di tích được vệ sinh chống xuống cấp, trong đó, các cấu kiện gỗ được vệ sinh, sơn son thiếp bạc, phủ hoàn kim lại Bái đường, Hậu cung khu Văn Miếu, quét vôi trám hóa bề mặt một số hạng mục tiêu biểu (Đại Trung Môn, giếng Thiên Quang, nhà bia tiến sỹ, các cổng ngách) và tường ngăn di tích.

Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cũng khẳng định để thực hiện vệ sinh chống xuống cấp các hạng mục trong di tích, Trung tâm đã làm thận trọng.

Hiện trạng của Văn Miếu là tất cả đá, gỗ, tường gạch đều bị phủ rêu phong, nấm mốc, nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng đến công trình. Nhân viên của Viện Bảo tồn di tích đang tẩy rửa toàn bộ, quét lớp sơn chứa hóa chất chống rêu mốc. Các chuyên gia bảo tồn sẽ phủ lại một lớp sơn màu trầm, Văn Miếu sẽ trở lại vẻ cổ kính như cũ.

[Vì sao Văn Miếu-Quốc Tử Giám bỗng dưng "khoác màu áo mới"]

Tin nóng 10/1: Xôn xao "áo mới" Văn Miếu, cháy tàu du lịch Hạ Long ảnh 2Du khách tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám trước khi một số hạng mục trong di tích này được phủ màu trắng xám. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

3. Lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu, trưng bày đầy đủ 18 bảo vật quốc gia

Triển lãm chuyên đề “Bảo vật quốc gia Việt Nam” đã chính thức khai mạc sáng nay (10/1) tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).

Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu, trưng bày đầy đủ 18 bảo vật quốc gia được lưu giữ tại bảo tàng. Đó là những bảo vật thuộc văn hóa Đông Sơn, văn hóa Chămpa, thời kỳ quân chủ phong kiến và gắn với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thế kỷ 20. 

Cụ thể, có bảy bảo vật thuộc văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 2000-2500 năm): trống đồng ngọc lũ, thạp đồng Đào Thịnh, mộ thuyền Việt Khê, tượng đồng hai người cõng nhau thổi kèn, trống đồng Hoàng Hạ, trống đồng Cảnh Thịnh, cây đèn đồng hình người quỳ. Bia Võ Cạnh (chất liệu đá cát, niên đại: thế kỷ 3-4) là hiện vật duy nhất thuộc văn hóa Chămpa được trưng bày tại triển lãm này.

[Chiêm ngưỡng những bảo vật quốc gia “độc nhất vô nhị” của Việt Nam]

Tin nóng 10/1: Xôn xao "áo mới" Văn Miếu, cháy tàu du lịch Hạ Long ảnh 3(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

4. Thêm bằng chứng thuyết phục chứng mình chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa

Ngày 10/1, tại Đà Nẵng, ông Trần Thắng, Việt kiều ở Mỹ, Chủ tịch Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ đã đến trao tặng Tấm bản đồ “Partie de la Cochinchine” khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam cho Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. 

Đây là tấm bản đồ do Phillipe Vandermaelen (1795-1869), nhà Địa lý học kiệt xuất, người sáng lập Viện Địa lý hoàng gia Bỉ xuất bản bộ Atlas Thế giới rất nổi tiếng gồm 6 tập khổ lớn. 

Bản đồ Partie de la Cochichine được vẽ liền một mảnh rộng ngang khổ giấy A3 thuộc số rất ít bản đồ tính cho đến những thập kỷ đầu thế kỷ XIX đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine (Đàng Trong, mà người phương Tây lúc đó dùng để chỉ khu vực miền Trung Việt Nam) là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, đã minh chứng một cách đầy đủ, rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa ít nhất vào những thập kỷ đầu thế kỷ XIX, khi bộ bản đồ được xây dựng và xuất bản. 

Tấm bản đồ Partie de la Cochinchine của Phillipe Vandermaelen xét trên mọi khía cạnh đều có thể được coi là một tài liệu vô giá không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học và đích thực của công cuộc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo, mà còn là một bằng chứng hùng hồn, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế rất cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

[Tặng bản đồ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa cho huyện Hoàng Sa]

Tin nóng 10/1: Xôn xao "áo mới" Văn Miếu, cháy tàu du lịch Hạ Long ảnh 4Tấm bản đồ Partie de la Cochinchine. (Ảnh: Lê Lâm/Vietnam+)


5. Phạm Công Danh và vụ đại án 9.000 tỷ đồng

Tiếp tục Phiên xét xử phúc thẩm vụ án thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), ngày 10/1, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 25 bị cáo.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, hậu quả thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam từ những sai phạm của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Án sơ thẩm đã xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ đối với các bị cáo, vì vậy cần giữ nguyên hình phạt.

Đối với kháng cáo của bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh), đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo liên quan đến trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn trong vụ án, sửa án sơ thẩm theo hướng thu hồi số tiền ông Danh đã chuyển cho ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) 500 tỷ đồng, bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ) hơn 130 tỷ đồng, bà Trần Ngọc Bích (đại diện nhóm Tân Hiệp Phát) 119 tỷ đồng để giao Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, đảm bảo khắc phục hậu quả.

Đối với kháng cáo của bà Trần Ngọc Bích về việc không đồng ý thu hồi 5.190 tỷ đồng và đề nghị giải chấp 13 sổ tiết kiệm, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng không có cơ sở chấp nhận, đề nghị bác yêu cầu này.

Đáng chú ý, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét trách nhiệm của ông Trần Quý Thanh và Trần Ngọc Bích với vai trò đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh gây thất thoát cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam 5.190 tỷ đồng.

[Vụ thất thoát 9.000 tỷ đồng tại VNCB: Đề nghị y án sơ thẩm 25 bị cáo]

Tin nóng 10/1: Xôn xao "áo mới" Văn Miếu, cháy tàu du lịch Hạ Long ảnh 5Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27/12/2016. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục