Tin tưởng hoạt động của Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục đổi mới

Các đại biểu đều thể hiện sự tin tưởng và quyết tâm cùng người đứng đầu Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, để Quốc hội thực sự đoàn kết, sáng tạo.
Tin tưởng hoạt động của Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục đổi mới ảnh 1Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Với gần 98% số đại biểu tán thành, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã đắc cử Chủ tịch Quốc hội khóa XIV.

Bên lề kỳ họp, các đại biểu đều thể hiện sự tin tưởng và quyết tâm cùng người đứng đầu Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, để Quốc hội thực sự đoàn kết, sáng tạo và hành động như lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi nhậm chức.

Đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) thể hiện sự kỳ vọng vào tân Chủ tịch Quốc hội khóa XIV cũng như tập thể lãnh đạo Quốc hội khóa mới sẽ đạt được những thành công trong các hoạt động nói chung và hoạt động giám sát tối cao nói riêng.

Đại biểu nêu rõ hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XIV trong lĩnh vực phát triển kinh tế có nhiều thách thức, đan xen nhiều vấn đề liên quan đến việc xâm hại môi trường. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các đại biểu Quốc hội cũng như tập thể lãnh đạo Quốc hội nhằm đưa đất nước tiếp tục tiến lên, đó là phát triển kinh tế phải cùng với kiểm soát chặt chẽ việc xâm hại môi trường.

Nhiều đại biểu bày tỏ tin tưởng với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn qua nhiều vị trí công tác, Chủ tịch Quốc hội sẽ cùng tập thể Quốc hội có nhiều đổi mới trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), kết quả bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho thấy tỷ lệ tín nhiệm rất cao. Điều này tạo thêm sức mạnh, niềm tin giúp các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội đảm đương trách nhiệm mà cử tri gửi gắm, như lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Quốc hội là cơ quan lập pháp tối cao, phải ban hành, hoàn thiện hệ thống luật pháp Việt Nam, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội, đem lại sự an tâm cho người dân. Những vấn đề quản lý về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông... là mong đợi của cử tri gửi tới Quốc hội. Bên cạnh đó, cử tri mong muốn nền kinh phát triền bền vững, đi đối với hệ thống luật pháp bền vững, nghĩa là luật pháp ban hành phải phù hợp với thực tiễn, có tính cụ thể, lâu dài.

Thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh nền kinh tế phát triển bền vững phải gắn với việc bảo đảm chất lượng cuộc sống người dân, cũng như bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển và làm hải sản chết hàng loạt tại bốn tỉnh ven biển miền Trung, nhận được sự quan tâm của rất nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phải thu hút được vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhưng chúng ta không chấp nhận đánh đổi sự tăng trưởng với môi trường. Do đó, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và yêu cầu tăng cường giám sát về môi trường.

Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cần vào cuộc để giám sát môi trường trong quá trình thực hiện các dự án, trong đó có dự án Formosa, để đem lại niềm tin cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục