Tỉnh Bình Dương mời gọi các doanh nghiệp Pháp đến đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cam kết sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Pháp.
Tỉnh Bình Dương mời gọi các doanh nghiệp Pháp đến đầu tư ảnh 1Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Bích Hà/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 31/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp vùng Paris Île-de-France (CCI Paris Ile-de- France) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã tổ chức tại Paris hội thảo “Môi trường kinh doanh và triển vọng đầu tư tại miền Nam Việt Nam” nhằm giới thiệu với các doanh nghiệp Pháp tiềm năng và cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Dương.

Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương ông Mai Hùng Dũng; Vụ trưởng Vụ Phát triển doanh nghiệp quốc tế của CCI Paris Ile-de- France, bà Marianne Sasserant, cùng đại diện nhiều doanh nghiệp Pháp và các chuyên gia kinh tế.

Phát biểu khai mạc, bà Marianne Sasserant hoan nghênh sáng kiến của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp Pháp những thông tin cụ thể về tiềm năng và thế mạnh của Bình Dương - một tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được kết nối thuận lợi về giao thông đường bộ và đường thủy với Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác.

Bà cho biết hơn 300 công ty của Pháp đã đầu tư tại Việt Nam, trong đó có đến 70% đầu tư tại các tỉnh phía Nam. Theo một báo cáo mới đây, 35 công ty của Pháp đã triển khai các dự án tại Bình Dương và nhiều công ty hiện đang chờ được cấp giấy phép kinh doanh tại tỉnh này.

Bà cũng giới thiệu chức năng của CCI Paris Ile-de- France là xúc tiến và hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động thương mại và đầu tư, đại diện cho lợi ích của khoảng 600 doanh nghiệp, chiếm 20% Tổng sản phẩm quốc nội của Pháp (GDP).

Bà cũng cho biết từ năm 1992, CCI Paris Ile-de- France đã thành lập Trung tâm Pháp-Việt đào tạo về quản lý tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm đào tạo các nhà quản lý trẻ Việt Nam với các chương trình chất lượng cao.

Từ đó đến nay, CCI Paris Ile-de-France liên tục tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các công ty của vùng Ile-de-France phát triển kinh doanh và đầu tư với Việt Nam.

Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá cao việc tổ chức hội thảo, coi đây là cơ hội tốt để giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.

Đại sứ cho biết sau 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, Việt Nam ngày nay đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trở thành đối tác năng động và có trách nhiệm trong khu vực và trên thế giới. Pháp và Việt Nam có mối quan hệ truyền thống, gắn bó chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục...

Trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 4 tỷ USD năm 2016. Pháp là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Hiện nay, hơn 300 doanh nghiệp Pháp đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn là 3,4 tỷ USD.

Theo Đại sứ, sự hiện diện của đông đảo các doanh nghiệp Pháp tại hội thảo chứng tỏ các doanh nghiệp Pháp quan tâm đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.

Bình Dương là một tỉnh có rất nhiều lợi thế với kinh tế phát triển năng động, đang tích cực đẩy mạnh quá trình quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng đánh giá cao tiềm năng của các nhà đầu tư Pháp, mong muốn các tập đoàn lớn cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp đầu tư nhiều hơn nữa vào Bình Dương.

Ông giới thiệu các lĩnh vực khuyến khích đầu tư là các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin, điện-điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực... Ông cam kết Bình Dương sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Pháp.

Ông cũng cho biết Bình Dương đã xây dựng và phát triển 28 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 10.000ha, là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 2.992 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 27,3 tỷ USD từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đánh giá về môi trường đầu tư ở Việt Nam, luật sư Thierry Gougy – người đã làm việc lâu năm tại Việt Nam, phụ trách Công ty luật DFDL Mekong, trình bày tham luận về những thách thức và cơ hội làm ăn tại thị trường mới nổi Đông Nam Á.

Ông cho biết theo thống kê mới đây, 72% các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam được cải thiện rất nhiều thời gian qua. Đây là một đánh giá rất tích cực về môi trường đầu tư ở Việt Nam trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài.

Ông cũng chỉ rõ cần tăng cường thông tin về việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN, tác động của sự kiện này đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như những quyền lợi và lợi ích của nhà đầu tư.

Trong phần cuối của buổi hội thảo, các đại biểu đã nghe ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc quan hệ Quốc tế và Chiến lược của Tập đoàn Becamex trình bày tham luận về dự án “Bình Dương, thành phố thông minh, công nghiệp thông minh và đầu tư thông minh.”

Ông Jean-Philippe Eglinger, sáng lập công ty “Việt Pháp Stratégies” trình bày tham luận đánh giá tác động của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU).

Bên cạnh các bài tham luận, các đại biểu dự hội thảo cũng trao đổi những kinh nghiệm trong kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam nhằm đảm bảo đem lại lợi ích cho cả nhà đầu tư Pháp và các đối tác Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục