Tinh giản biên chế phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu

Nghị quyết 39 xác định rõ mục tiêu của tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là giảm số lượng người làm việc mà cái chính là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.
Tinh giản biên chế phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa được Bộ Chính trị ban hành đã nhấn mạnh đến việc giữ ổn định tổ chức, không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị và đến năm 2021 phải tinh giản tối thiểu 10% biên chế.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã dành thời gian trao đổi với phóng viên TTXVN về các giải pháp để có thể thực hiện thành công chủ trương tinh giản biên chế lần này.

- Thưa Thứ trưởng, câu chuyện tinh giản biên chế đã theo chiều hướng thuận lợi khi Nghị quyết 39 vừa được Bộ Chính trị ban hành đã nhấn mạnh giữ ổn định tổ chức, không thành lập tổ chức trung gian, không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị. Ông nhìn nhận thế nào về những thuận lợi này?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Chúng tôi thấy đây là căn cứ quan trọng để thực hiện tinh giản biên chế. Với Nghị quyết này, đã cho thấy nhận thức của chúng ta về tinh giản biên chế đã có sự thay đổi nhiều.

Trước đây, việc tinh giản biên chế chỉ đơn thuần hiểu là giảm về số lượng, nhưng lần này, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã xác định rõ mục tiêu của tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là giảm số lượng người làm việc, giảm số lượng biên chế, mà cái chính là thông qua tinh giản biên chế, phải góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Như thế sẽ giúp cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Nghị quyết 39 đã xác định rõ việc tinh giản biên chế luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và đặc biệt là sự giám sát của các cơ quan dân cử, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế phải thực hiện đồng bộ với các nội dung khác của cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, đảm bảo sự gắn kết, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu của tinh giản biên chế.

- Theo ông, đề án liệu có thành công, có đạt kết quả tinh giản tối thiểu 10% biên chế vào năm 2021 như mong muốn và làm thế nào để tránh được hạn chế của các đợt tinh giản biên chế trước đây?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Chúng tôi tin tưởng rằng với việc ban hành Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, các mục tiêu, quan điểm đã được xác định rõ ràng và các giải pháp được tiến hành đồng bộ, việc tinh giản biên chế lần này chắc chắn sẽ thành công.

Tinh giản biên chế không chỉ trông chờ vào tỷ lệ phần trăm số lượng biên chế giảm được mà cái chính chúng ta mong chờ và quyết tâm làm được, đó là việc thông qua tinh giản biên chế lần này, nâng cao được chất lượng đội ngũ cán bộ công chức trong các tổ chức, cơ quan nhà nước.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của những đợt tinh giản biên chế trước đây, Nghị quyết 39 đã đưa ra một loạt giải pháp mang tính đồng bộ không chỉ đơn thuần là chế độ, chính sách khi tinh giản biên chế mà cả những giải pháp khác như tuyên truyền để thống nhất về nhận thức, quản lý biên chế; rà soát tổ chức bộ máy; đổi mới các nội dung quản lý cán bộ, công chức như xác định vị trí việc làm, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, đổi mới cơ chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức...

- Điểm nhấn quan trọng nhất của đề án này là gì để có thể mang lại thành công, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Điểm nhấn quan trọng nhất của đề án này là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và sự giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thứ hai, là nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong quá trình tổ chức thực hiện tinh giản biên chế để đảm bảo việc tinh giản biên chế được thực hiện một cách khách quan, công bằng và bám sát mục tiêu.

Những người thuộc diện tinh giản biên chế phải được giải quyết chính sách tinh giản, thay vào đó, tuyển chọn những người đáp ứng được yêu cầu, có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực để thực hiện nhiệm vụ trong các cơ quan tổ chức và cũng chỉ được tuyển theo nguyên tắc "ra 2 vào 1."

- Tinh giản biên chế trong khối Đảng, đoàn thể và chính quyền cấp xã được đặt ra như thế nào và liệu có "vùng cấm" trong tinh giản biên chế không, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Việc tinh giản biên chế lần này được thực hiện trong tất cả các cơ quan của hệ thống chính trị, từ các cơ quan của Đảng đến các cơ quan của nhà nước và các cơ quan của tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương đến cấp xã. Tuy nhiên, với cán bộ công chức cấp xã, việc tinh giản chỉ bằng cách xác định phân loại để đưa ra những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thay vào đó là lựa chọn những người đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đảm bảo được chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã bởi tiêu chuẩn chức danh cán bộ công chức cấp xã đã được Luật cán bộ, công chức quy định và đã được nghiên cứu tương đối kỹ để đảm bảo phù hợp, thực hiện được chức năng nhiệm vụ của chính quyền cấp xã.

Việc tinh giản biên chế không có "vùng cấm" nào, tất cả những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao - qua đánh giá, phân loại - đều phải thực hiện tinh giản biên chế để qua đó thực hiện mục tiêu của đợt tinh giản lần này là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Có ý kiến cho rằng cách tinh giản biên chế hiện nay vẫn là cơ học, để tinh giản bền vững, Nhà nước cần tránh ôm đồm, giảm việc của nhà nước, của cơ quan hành chính, giao cho các tổ chức bên ngoài, giảm việc của Trung ương, phân cấp cho địa phương. Ông nghĩ sao về quan điểm này?


Thứ trưởng Trần Anh Tuấn:
Thứ nhất, về quan điểm tinh giản biên chế theo cơ học, như tôi nói từ ban đầu, trong quá trình xây dựng đề án trình Trung ương và Bộ Chính trị, Thủ tướng đã chỉ đạo phải thay đổi nhận thức về tinh giản biên chế, không chỉ đơn thuần là giảm cơ học mà phải nhằm mục tiêu lớn hơn là qua tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Thứ hai, việc cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức đang tiến hành theo xu hướng là Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và những gì có thể chuyển giao cho khu vực sự nghiệp hoặc khu vực tư thực hiện sẽ chuyển giao để đảm bảo Chính phủ tập trung vào chức năng quản lý nhà nước.

Thứ ba, đó là việc phân cấp, Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị quyết về đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương. Sau một thời gian thực hiện, cơ chế phân cấp này đang tiếp tục được nghiên cứu, xem xét để tiếp tục hoàn thiện theo nguyên tắc những gì địa phương hoặc cấp dưới có thể làm tốt, hiệu quả sẽ đẩy mạnh phân cấp và những gì mà địa phương hoặc cấp dưới làm không hiệu quả, Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo và thực hiện hoặc tạo các cơ hội, điều kiện để địa phương thực hiện.

Hiện cũng có nhiều quan điểm, nhưng quan điểm gì thì cũng phải thực hiện trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức.

- Có chuyên gia cho rằng cần giữ nguyên biên chế trong 15 năm, thành lập mới cũng phải sử dụng nguồn biên chế sẵn có, không bổ sung biên chế mới khi số biên chế cũ nghỉ hưu, để giảm gánh nặng về ngân sách, ông thấy thế nào?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng, Bộ Nội vụ sẽ cùng các cơ quan liên quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, những ý kiến phản biện để trên cơ sở đó triển khai, đảm bảo tổ chức thực hiện tinh giản biên chế có kết quả. Việc tinh giản biên chế là phải căn cứ vào Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Khi triển khai, chúng ta cũng không máy móc hoặc cứng nhắc, hoặc quá cực đoan trong vấn đề quản lý biên chế.

Về cơ bản, từ nay đến năm 2016, tổng biên chế vẫn phải thực hiện không tăng biên chế, kể cả thành lập tổ chức mới sẽ điều hòa tổng biên chế đang có. Bên cạnh đó, những lĩnh vực hoặc các cơ quan tổ chức mới nhất thiết phải được thành lập để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước hoặc để phục vụ cho người dân như các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, có thành lập trường mới hoặc thành lập bệnh viện mới, không thể không có các thầy, cô giáo hoặc các thầy thuốc để thực hiện các nhiệm vụ đó.

Tuy nhiên, việc bổ sung thêm biên chế viên chức cho các trường học, các bệnh viện mới được thành lập phải được kiểm soát, thẩm định một cách chặt chẽ. Bộ Nội vụ hiện đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để thẩm định các đề nghị bổ sung biên chế viên chức, tạo cơ sở trước khi hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định. Đấy là vấn đề mà tôi nghĩ rằng chúng ta không thể quá cực đoan hoặc quá cứng nhắc, máy móc trong tinh giản biên chế lần này. Bên cạnh quyết tâm chính trị cao, vẫn cần phải có tư duy biện chứng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục