Tỉnh Quảng Ninh tìm giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2023

Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho rằng để cải thiện thu hút vốn đầu tư FDI, tỉnh sẽ tập trung xúc tiến đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án như công nghệ cao, công nghệ tương lai.
Tỉnh Quảng Ninh tìm giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2023 ảnh 1Thu hút đầu tư FDI. (Ảnh minh họa: Đồng Thúy/TTXVN)

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tỉnh Quảng Ninh năm 2022 chỉ đạt hơn 622 triệu USD, bằng 49% kế hoạch năm và đã không đạt kết quả như mong muốn.

Tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng tìm nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ trong năm 2023.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Cường cho rằng để cải thiện việc thu hút vốn đầu tư FDI, Quảng Ninh sẽ chủ trương tập trung xúc tiến đầu tư và ưu tiên lựa chọn các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao; dịch vụ tài chính, dịch vụ logistics và các dịch vụ  hiện đại khác.

Ông Cường cũng đưa ra một số giải pháp như: chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu. Đồng thời, ưu tiên doanh nghiêp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong tỉnh; đẩy nhanh quá trình cần thiết để đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động, củng cố niềm tin và sự an tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch điện và đôn đốc triển khai các dự án điện. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính; tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin hai chiều, đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải đáp thắc mắc với nhà đầu tư, thúc đẩy nhà đầu tư mở rộng, đăng ký vốn tăng thêm với các dự án đang triển khai…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 153 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 10,33 tỷ USD của các nhà đầu tư tới từ 19 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, đứng đầu với số dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) 80 dự án, tiếp đến là Hàn Quốc có 12 dự án và Mỹ có 5 dự án.

[Quảng Ninh: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo]

Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, văn hóa, xã hội, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp, thương mại dịch vụ.

Trong 11 tháng năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án FDI với tổng vốn là 639,76 triệu USD, bằng 49% so với kế hoạch năm 2022.

Việc thu hút nguồn vốn FDI năm 2022 không đạt chỉ tiêu kế hoạch đè ra là bởi các nguyên nhân khách quan như diễn biến tình hình phúc tạp của dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm, áp lực của lạm phát đè nặng lên nền kinh tế thế giới; ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine; chính sách chống dịch bệnh “Không COVID” của Trung Quốc… đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Đối mặt với thách thức suy giảm dòng vốn FDI toàn cầu, các công ty đa quốc gia và nhiều doanh nghiệp FDI có xu hướng hạn chế mở rộng sản xuất kinh doanh trong đại dịch, tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng, chuyển dịch dòng vốn đầu tư về chính quốc.

Về chủ quan, thu hút vốn đầu tư FDI của tỉnh Quảng Ninh vẫn thiếu đồng bộ và tính chiến lược; các hình thức xúc tiến đầu tư chưa đa dạng, lực lượng xúc tiến đầu tư mỏng, tính chuyên nghiệp của một số cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư chưa cao, chưa thực sự chủ động.

Kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh có tích cực song vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Số dự án FDI đầu tư vào tỉnh trong thời gian gần đây có gia tăng nhưng chưa nhiều, số dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ phụ trợ còn ít, tiến độ triển khai một số dự án còn chậm so với đăng ký đầu tư (đạt khoảng 60% vốn đăng ký)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục