Tinh thần tự tôn dân tộc trong những bài thơ trên Điện Thái Hòa

Tại Cố đô Huế đang diễn ra triển lãm trưng bày, giới thiệu 34 bài thơ chạm trên Điện Thái Hòa ca ngợi cảnh đất nước thái bình, thịnh trị và thể hiện niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc.
Tinh thần tự tôn dân tộc trong những bài thơ trên Điện Thái Hòa ảnh 1Trưng bày những bài thơ chạm trên Điện Thái Hòa. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Triển lãm "Tinh thần tự tôn dân tộc trong thơ trên Điện Thái Hòa" vào ngày 2/9.

Triển lãm trưng bày, giới thiệu 34 bài thơ tiêu biểu với nội dung thể hiện niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc và ca ngợi cảnh thái bình, thịnh trị, đất nước thống nhất...

''Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu'' (tạm dịch: Nước ngàn năm văn hiến/ Mở rộng quy mô xưa/ Từ Hồng Bàng mở cõi/ Phương Nam một Đường Ngu - Đường và Ngu là 2 nước được xem là tiêu biểu cho thịnh trị, văn minh trong tư tưởng Nho giáo).

Bài thơ đặt ở gian chính trung, ô chính giữa trên Điện Thái Hòa được xem như "Bản tuyên ngôn độc lập" của Triều Nguyễn.

Ở Điện Thái Hòa còn có bài thơ ca ngợi vẻ đẹp, cảnh thanh bình của đất nước: "Thái bình tân chế độ/ Hiên khoát cưu quy mô/ Văn vật thanh danh hội/ Xuân phong mãn đế đô'' (tạm dịch: Thái bình chế độ mới/ Mở rộng quy mô xưa/ Văn vật về tụ hội/ Gió xuân khắp đế đô.)

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết Điện Thái Hòa được xây dựng vào năm 1805, để làm nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều Nguyễn (1802-1945) như Lễ Đăng quang, Lễ Vạn thọ, Lễ Hưng quốc khánh niệm… hoặc các buổi lễ đại triều. Đây cũng là nơi trung tâm hành chính của đất nước, một trong những biểu trưng về uy quyền của triều đại.

Công trình được trang trí lộng lẫy với các dạng thức qua một số loại hình chất liệu khác nhau. Đặc biệt, ở các liên ba (ở nội thất, ngoại thất điện); ở bờ nóc, cổ diềm (ở ngoại thất điện) có đến 297 ô hộc khắc chạm chữ Hán.

Các lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Quốc Tử Giám - Tân Thơ Viện... cũng được trang trí ô thơ, sơn son thếp vàng với số lượng lớn.

Thơ chạm khắc trên Điện Thái Hòa nói riêng cũng như các di tích Triều Nguyễn nói chung đều nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc. Ngoài ra, còn được khẳng định là một hình thức trang trí kiến trúc độc đáo, thể hiện một ngôn ngữ thẩm mỹ riêng mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đã phát triển lên đến đỉnh cao dưới Triều Nguyễn.

Triển lãm kéo dài từ ngày 2/9 - 31/12/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục