Tình trạng bất ổn tại Burundi là tâm điểm nghị sự của Hội nghị AU

Mặc dù chủ đề chính thức của hội nghị năm nay là nhân quyền, song các nhà lãnh đạo khu vực lại phải tìm cách chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang trong khu vực, trong có tình trạng bất ổn tại Burundi.
Tình trạng bất ổn tại Burundi là tâm điểm nghị sự của Hội nghị AU ảnh 1Tổng Thư ký Ban ki-Moon phát biểu tại hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/1, tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, các nhà lãnh đạo châu Phi đã bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 2 ngày nhằm tìm cách chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang trong khu vực, trong có tình trạng bất ổn tại Burundi.

Tham dự hội nghị có các tổng thống, ngoại trưởng của 54 nước thành viên thuộc Liên minh châu Phi (AU) và Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

Mặc dù chủ đề chính thức của Hội nghị thượng đỉnh AU năm nay là nhân quyền, song các nhà lãnh đạo khu vực một lần nữa lại phải tìm cách giải quyết hàng loạt các cuộc khủng hoảng trên khắp châu lục.

Trước đó, Ủy viên Hội đồng An ninh và Hòa bình của AU Smail Chergui đã cảnh báo về những nguy cơ khi Burundi vẫn phản đối lực lượng gìn giữ hoà bình do AU đề xuất mà nước này gọi là "lực lượng xâm lược."

Về phần mình, Ngoại trưởng Burundi Alain Nyamitwe khẳng định đã nhận được sự hỗ trợ của các quốc gia khác và đây cũng là những nước phản đối đề xuất triển khai binh sỹ của AU.

Ông nhấn mạnh đề xuất trên là không chính đáng và tình hình tại Burundi vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Trong khi đó, Tổng thống Gambia Yahya Jammeh tin rằng việc can thiệp quân sự tại một quốc gia là không được hoan nghênh và ông sẽ không ủng hộ việc triển khai binh lính của AU mà không có sự đồng ý của Burundi.

Đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình của AU tại Burundi gồm 5.000 binh sĩ mang tên MAPROBU sẽ cần tới 2/3 số phiếu ủng hộ để được thông qua.

Hiện vẫn chưa rõ quốc gia nào của châu Phi sẽ đóng góp binh sỹ vào lực lượng này.

Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo châu Phi nhóm họp kể từ sau hội nghị thượng đỉnh tại Johannesburg (Nam Phi) vào tháng 6/2015.

Hội nghị lần này cũng sẽ tập trung giải quyết xung đột trên khắp khu vực, bao gồm chấm dứt nội chiến tại Nam Sudan, các cuộc nổi dậy của người Hồi giáo tại Mali, bạo lực tại Nigeria, bất ổn chính trị tại Libya và việc thành lập một chính phủ mới tại Cộng hòa Trung Phi.

Hội nghị lần này cũng sẽ bầu ra Chủ tịch luân phiên mới của AU, thay cho Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục