Lễ hội Lồng Tông

Tỉnh Tuyên Quang tưng bừng với lễ hội Lồng Tông

Ngày 17/2, Tuyên Quang tổ chức lễ hội Lồng Tông và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghi lễ Then của dân tộc Tày.
Ngày 17/2, trong không khí tưng bừng đầu Xuân năm mới, tỉnh Tuyên Quang long trọng tổ chức lễ hội Lồng Tông - ngày hội xuống đồng và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghi lễ Then của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang.

Lễ hội Lồng Tông là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang. Lễ hội được tổ chức vào mồng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội bắt đầu bằng lễ rước 9 mâm Tồng từ Đền Bách Thần, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang về trung tâm sân vận động của huyện Chiêm Hóa, với màn múa lân (múa "xuống đồng") của những trai thanh nữ tú. Sau đó, Thầy Cả (người cúng chính của buổi lễ) và các thầy giúp việc làm lễ đặt mâm Tồng, tạ ơn trời đất, cầu sự ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, dân an vật thịnh. Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian như tung còn, đánh đu, đẩy gậy, kéo co...

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh lễ hội Lồng Tông có lịch sử lâu đời, phản ánh ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mong ước quan trọng nhất trong đời sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa nghi lễ mang đậm tính dân gian về cội nguồn văn hóa. Lễ hội được lưu truyền từ lâu trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của người Tày.

Cũng tại buổi lễ, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghi lễ Then của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang. Then là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ, được sử dụng trong các lễ cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, lễ cốm, lễ cấp sắc... do những người làm nghề then thực hiện. Vùng hát Then tỉnh Tuyên Quang tập trung chủ yếu ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình...

Trải qua thời gian tồn tại và phát triển, đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tồn tại hai dòng Then. Dòng Then thứ nhất là nghi lễ then cổ, được một số ít nghệ nhân và những người làm nghề then lưu giữ, hành nghề, truyền dạy, đang có nguy cơ bị thất truyền. Dòng Then thứ hai là dòng then mới do những người am hiểu, yêu thích then đặt lời mới theo giai điệu then cổ.

Về nội dung Then Tuyên Quang được chia làm 2 nhóm: Then kỳ yên (cầu điều lành và điều tốt) và Then lễ hội. Then kỳ yên có nội dung chủ yếu, cầu chúc, chữa bệnh. Lễ cầu yên được tổ chức vào dịp cuối năm hoặc đầu năm tùy thuộc vào từng nơi để thiết đãi tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ. Còn Then lễ hội là những khúc hát khích lệ tinh thần mọi người thêm vui vẻ, xua tan phiền muộn, cực nhọc vất vả trong cuộc sống để thỏa mãn ước vọng về một cuộc sống đầy đủ. Loại then lễ hội thường được sử dụng trong các nghi lễ như cầu mùa, lễ vào nhà mới, cấp sắc, cầu mùa, lễ cốm...

[Đề nghị đưa hát then vào di sản văn hóa phi vật thể]


Ngày 27/12/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định chứng nhận Nghi lễ Then của người Tày tỉnh Tuyên Quang được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trước đó, ngày 30/5/2012, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 195 về việc Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý về chủ trương với đề nghị của tỉnh Tuyên Quang về việc lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu hát then của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh khu vực Việt Bắc để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, hướng dẫn tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng và các tỉnh phía Bắc hoàn tất hồ sơ, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Vũ Quang Đán (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục