Tình yêu bóng đá và giấc mơ đổi đời của những đứa trẻ Brazil

Những đứa trẻ đá bóng trên phố hay trong các khu ổ chuột ở Brazil đều muốn trở thành những Neymar hay Oscar và nuôi trong chúng giấc mộng đổi đời.
Tình yêu bóng đá và giấc mơ đổi đời của những đứa trẻ Brazil ảnh 1Trái bóng luôn gắn liền với đôi chân của trẻ nhỏ ở Rocinha từ khi chúng ra đời. (Ảnh: Anh Ngọc/Vietnam+)

…Là một thứ bóng đá không trên những sân vận động đầy ánh sáng đèn và chớp flash, những đôi chân triệu phú đang chạy hoặc ghi bàn, những dòng tít lớn chạy hết cả trang báo, những tranh cãi ầm ỹ liên quan đến việt vị, phạt đền hay chưa. Không xa Maracana là hàng trăm, hàng nghìn sân bóng khác của một thứ bóng đá gợi lên những đam mê như thuở ban đầu: bóng đá của những đứa trẻ.


Bài hát buồn cho bóng đá ở favela

Thằng bé chừng 10 tuổi, mảnh khảnh, có đôi mắt sáng hóm hỉnh, tóc húi cua, đi chân đất và mặc cái áo phông đã sờn rách ấy bỗng dưng dừng pha bóng lại và bắt đầu hát. Một giai điệu du dương cất lên từ cái miệng rất duyên của nó. Nó bảo, đấy là một bài hát bóng đá ở favela (khu ổ chuột). Tôi không hiểu lời của bài hát ấy, nhưng nghe rất buồn.

Có lẽ nào bóng đá ở xứ sở của niềm đam mê bất tận dành cho trái bóng này lại buồn da diết đến như thế. Vì bóng đá ở đây không thể đem lại cho họ niềm hạnh phúc trong cuộc sống, dù nó đầy màu sắc sặc sỡ và không khi nào vắng âm thanh, như thể người ta sợ sự im lặng? Vì sống ở favela cũng giống như một lời kết án vì sự nghèo khổ, cháu ở đó, cháu không thể thoát khỏi nó, liệu cháu có thể tìm đường ra bằng bóng đá, như một cứu cánh của cuộc đời?

Tôi chưa tìm được lời đáp cho những câu hỏi ấy, nhưng cái cách mà thằng bé chơi bóng, sau đó bỗng dưng ngừng chơi và hát tạo ra một cảm giác rất lạ, đầy suy tư về đất nước này và về mối quan hệ của Brazil với bóng đá. Chẳng có đất nước nào mất trí vì trái bóng ở dưới chân như ở Brazil.

Nhà văn người Uruguay Eduardo Galeano từng viết, “ở Brazil, có thể có những nơi không có nhà thờ, nhưng không thể thiếu sân bóng”. Chúa ngự trị trong tâm hồn họ, giúp họ vượt qua tất cả những gian nan trong cuộc sống. Nhưng bóng đá lại là một thứ đam mê còn lớn hơn tất cả những điều còn lại.

Người Brazil gọi bóng đá là “futebol," nhưng thứ bóng đá mà thằng bé đang chơi trong khu favela Rocinha ấy và hàng nghìn các khu xóm liều khác ở Brazil được gọi là “pelada”. Trong tiếng Bồ Đào Nha, “pelada” là người "phụ nữ khỏa thân”. Có điều gì liên hệ giữa bóng đá và phụ nữ khỏa thân?

Một người Brazil giải thích cho tôi: “Bởi bóng đá và phụ nữ là hai tạo vật mà Chúa trao gửi cho chúng tôi, và đương nhiên, chúng tôi nhận lấy”. Một sự liên tưởng kỳ lạ từ nhận xét của người đàn ông hóm hỉnh ấy: trái bóng tròn như “mặt B” (mông) của những người phụ nữ phơi mình trên bãi biển Copacabana và Ipanema.

Nhưng đừng nói những điều đó với bọn trẻ. Chúng chơi bóng một cách vô tư trên phố hoặc trong các khu favela với sự đam mê. Chúng cũng chưa đủ lớn để nghĩ đến “mặt B” và những khoái cảm mà nó có thể đem lại. Bố mẹ cho chúng chơi bóng như một cách để quản lý chúng và mong mỏi tình yêu bóng đá sẽ không làm cho chúng sa ngã vào con đường tội ác.

Sân bóng có thể ở bất cứ đâu, trong những hẻm nhỏ, những bãi đất lô nhô đá, những sân chơi chung cư, hè phố, bãi biển. Chúng cũng có thể chơi ở bất kể lúc nào, trưa hay tối, thậm chí đêm. Và đôi khi, quả bóng trong chân chúng cũng không gọi là bóng.

Tiền đạo Fred, người lớn lên trên đường phố ở bang Minas Gerais, và nếu không trở thành cầu thủ thì có lẽ sẽ là một đầu gấu, từng nói rằng, “Chúng tôi lấy tất để làm bóng, lấy bìa các tông hoặc túi nilon. Mà nó cũng chẳng tròn. Nhưng chúng tôi chẳng quan tâm."

Thời của Fred đã qua từ lâu. Những ngôi sao bóng đá hiện tại và quá khứ của Brazil cũng sẽ chia sẻ điều tương tự. Lũ trẻ ở Rocinha chơi một quả bóng cũ rích. Mấy đứa bé ở khu Villa Pereira da Silva cũng thế. Những trái bóng có khi nhiều hơn tuổi đời của chúng, nhưng chúng không quan tâm, miễn là nó lăn, và đem đến cho chúng những niềm vui.

Bóng đá không thể đổi đời

Một người bạn Brazil đã nói với tôi rằng chúng ta luôn tưởng nhầm là favela đã sinh ra những ngôi sao bóng đá nổi tiếng của nước này. Trên thực tế, bóng đá đường phố sinh ra nhiều ngôi sao hơn. Cả Ronaldo, Rivaldo hay Ronaldinho đều lớn lên trên đường phố, không phải các favela. Chúng ta còn nhầm hơn nữa khi tưởng rằng đất nước xuất khẩu nhiều cầu thủ nhất thế giới này đã biến bóng đá thành một dạng công nghiệp.

Anh nói thêm rằng đúng là tất cả những đứa trẻ đá bóng trên phố hay trong các favela đều muốn trở thành những Neymar hay Oscar và nuôi trong chúng giấc mộng đổi đời, nhưng để thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ, cần phải có tài năng đặc biệt nhằm lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển chọn và có được sự phù hộ của Chúa. 300 cầu thủ người Brazil được “xuất khẩu” mỗi năm chính là những người đã giành chiến thắng trong cuộc chiến để thoát khỏi những khu bẩn thỉu, dây điện chằng chịt, điện thiếu, điều kiện vệ sinh tồi tệ và mạng sống rẻ rúng. Hàng nghìn cầu thủ khác chơi ở các hạng đấu của các giải vô địch ở Brazil, với mức lương ít ỏi và một tương lai không rõ ràng.

Tình yêu bóng đá và giấc mơ đổi đời của những đứa trẻ Brazil ảnh 2"Cháu là Neymar, còn nó là Oscar." (Ảnh: Anh Ngọc/Vietnam+)

Ở Manaus tít tắp trên những cánh rừng Amazon, những cầu thủ trẻ thường xuyên rời nhà ra đi, di chuyển hàng nghìn cây số để kiếm tìm cơ hội. Chẳng có gì đảm bảo cho sự thành công trong những chuyến đi đầy cạm bẫy ấy. Ai sẽ đưa họ vào đội bóng, ai cho họ một chỗ đứng, hay lại đẩy họ ra đường? Tất cả chỉ là hy vọng và những lời hứa.

Năm 2012, đội bóng Portuguesa Santista đã bị một tòa án ở Brazil phạt vì tội đã “gây nguy hiểm cho trẻ em." Hàng chục đứa trẻ đã rời nhà của chúng ở Para, trong vùng Amazon, để đến Santos theo lời hứa của một nhà tuyển chọn. Khi đến nơi, bọn trẻ bị tống vào một căn phòng chật chội, phát cho ba cái khăn trải giường và trải qua vài ngày không được ăn uống. Tòa yêu cầu đội bóng hoặc phải trả lũ trẻ về Para, hoặc phải cho chúng ăn và ở đàng hoàng. Nhưng đấy chỉ là một vụ rất nhỏ trong những vụ nảy sinh trong nhiều năm mà thực ra, giữa biết bao nhiêu điều phải lo âu khác trong cuộc sống, họ cũng chẳng quan tâm nữa. Mà bọn trẻ thì sẵn sàng vượt qua mọi thử thách để đạt đến cùng giấc mơ.

Bóng đá chỉ là một phương cách rất nhỏ cho một cuộc đổi đời. Bọn trẻ có lẽ không hiểu được điều ấy, và những giấc mơ cầu thủ vẫn là điều chúng theo đuổi. Đam mê ấy sẽ không bao giờ chấm dứt, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Không thành cầu thủ không phải là điều quá quan trọng, mà điều duy nhất chúng quan tâm là rốt cục, chơi bóng để có niềm vui. Mà niềm vui ấy thì ở đâu cũng cần và lũ trẻ ở nơi nào cũng vậy.

Bốn năm trước, khi vào một khu ổ chuột ở Nam Phi để viết phóng sự, tôi đã nhìn thấy những nụ cười ấy trên môi lũ trẻ, đã nghe tiếng chúng cười dưới ánh nắng của một buổi chiều se lạnh. Tội ác, nghèo khó, thất học, không tương lai… là những điều gì đó tưởng chừng rất xa chúng khi chạy theo trái bóng đang lăn, cho một World Cup diễn ra hàng ngày trong các khu nhà lụp xụp, bất kể FIFA và cái thiết chế cồng kềnh như một gánh xiếc của họ có đến đó hay không.

…Thằng bé bỗng ngừng hát, khiến tôi chấm dứt những suy tưởng để trở lại với hiện thực. Trái bóng lại lăn trong cái ngõ dốc mà người đi qua đi lại, xe ôm chạy như mắc cửi và còi bim bim kêu từ đầu đường.

Mấy đứa trẻ khác, đứa thì mặc áo đội Fluminense, đứa Botafogo, đứa cởi trần, đứa đi chân đất, lao vào một trận đấu mới mà đích ngắm là những khung thành tưởng tượng trên bức tường đầy những hình vẽ nguệch ngoạc của khu Rocinha. Trên đó, có hình của Neymar, thần tượng của biết bao đứa trẻ và cả cha mẹ chúng. Những tiếng cười lại vang lên trong trẻo. Ngày mai cũng thế, ngày kia cũng thế, mãi mãi./.

                                   Bóng đá, trong ước vọng đổi đời

Trái bóng luôn có một ý nghĩa nào đó, bên ngoài việc nó bao hàm ý nghĩa của một trò chơi, bàn thắng, niềm vui và nỗi buồn. Nhiều người tin rằng, nguồn gốc của “jogo bonito” (chơi bóng đá đẹp) được sinh ra từ lịch sử dài phân biệt chủng tộc của Brazil.

Giả thiết ấy bắt nguồn từ việc những người Brazil da đen thậm chí không được chạm vào người da trắng, hay làm bất cứ điều gì với họ, bởi mọi hành động như thế đều có thể bị trừng phạt. Đó là những năm tháng mà hàng triệu người châu Phi được đưa đến Brazil để làm nô lệ trong các đồn điền và sống những cuộc đời cực khổ.

Chính vì thế, một vài nhà lịch sử bóng đá đã viết rằng, chất bóng đá đầy ngẫu hứng, kỹ thuật và gợi lên bao xúc cảm của người Brazil khi chơi “pelada” cũng giống như một cách để duy trì sự tồn tại chống lại cái chết: họ sẽ chỉ ghi được bàn thắng và giành thắng lợi nếu như biết cách rê bóng, vượt qua tất cả các đối thủ tìm mọi cách ngăn cản họ. Vượt qua các đối thủ và chiến thắng họ trong bóng đá cũng là một cách để vượt qua những định kiến và áp đặt xã hội đối với người nghèo.

Bóng đá, do đó, trở thành một cách để thoát khỏi sự nghèo đói. Có đến những favela lưng chừng núi ở Rio, hàng nghìn favela như thế, và xem lũ trẻ đá bóng trên những sân nham nhở cỏ, đầy bụi đất và không ra hình dạng cái sân để chơi, mới thấy khao khát chiến thắng bằng bóng đá để tồn tại trong cuộc đời có ý nghĩa như thế nào với chúng. Nhưng “pelada” tại sao không xảy ra ở Nam Phi, nơi mà chủ nghĩa apartheid đã để lại một dấu ấn đen tối trong lịch sử đất nước ấy cũng như nhân loại? Có lẽ, mỗi người Brazil đã được sinh ra cùng trái bóng từ bụng mẹ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục