Tổ chức trọng thể Đại lễ Phật đản Phật lịch 2556

Ngày 5/5, tại nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức trọng thể Đại lễ Phật đản Phật lịch 2556 với nhiều hoạt động phong phú.
Ngày 5/5 (tức rằm tháng tư Âm lịch), tại nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức trọng thể Đại lễ Phật đản Phật lịch 2556 với nhiều hoạt động phong phú, thu hút hàng ngàn tăng ni, phật tử và nhân dân quanh vùng đến dự lễ.

Cùng với hàng triệu đồng bào Phật giáo cả nước, đồng bào theo đạo Phật tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hoan hỷ đón mừng Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2556, dương lịch 2012, với nhiều hoạt động phong phú. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã gửi lẵng hoa kính mừng Phật đản.

Thông điệp Phật đản của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tuyên đọc tại lễ kỷ niệm nêu rõ: Kính mừng Đại lễ Phật đản năm nay, đúng vào dịp tăng ni, phật tử cả nước vừa long trọng tổ chức thành công đại lễ kỷ niệm 30 năm thống nhất Phật giáo cả nước thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển, tăng ni, cư sỹ, phật tử các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự trên tất cả các lĩnh vực Đạo pháp và Dân tộc, cũng như quan hệ đối ngoại Phật sự quốc tế; được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng xã hội đánh giá cao vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Diễn văn Phật đản cũng nhấn mạnh một số hoạt động Phật sự quan trọng trong năm nay là tổ chức tốt Đại hội Phật giáo ở cấp địa phương, tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VII sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay; cùng với đó là việc chuẩn bị tu chỉnh Hiến chương của Giáo hội.

Trong niềm vui của ngày Đản sinh Đức Phật, các đại biểu dự lễ đã cùng thành kính dâng hương lên Đức Phật, thả chim phóng sinh, chim bồ câu và bóng bay cầu chúc cho hòa bình, cầu quốc thái dân an, cầu nguyện cho tăng ni, phật tử, đồng bào trong và ngoài nước một mùa Phật đản an lạc, một năm thắng lợi trong các hoạt động vì đạo, vì đời và một năm thành công trong sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố và đất nước.

Cùng ngày, tại các tự viện, cơ sở Phật giáo trên toàn thành phố cũng diễn ra lễ Phật đản, lễ tắm Phật và các hoạt động biểu diễn ca múa nhạc, thả hoa đăng, diễu hành xe hoa, tặng quà cho người nghèo, bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi…

Tại chùa Pháp Lâm (Đà Nẵng), sau diễn văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thông điệp của Đức Pháp chủ là phần thả chim bồ câu và cầu nguyện quốc thái dân an. Tiếp đến là phần nghi thức tôn giáo. Sau Lễ chính thức tại chùa Pháp Lâm được diễn ra trang nghiêm, an toàn tuyệt đối... là cuộc diễu hành qua các trục đường phố chính của các tổ đình, chùa, học viện...của các quận, huyện.

Trước đó, chiều ngày 4/5, Đoàn lãnh đạo thành phố do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ dẫn đầu đến thăm, tặng hoa, chúc mừng chư tôn giáo phẩm Thành hội Phật giáo Đà Nẵng nhân dịp Phật Đản Phật lịch 2556, dương lịch 2012.

Phó Bí thư Thường trực Trần Thọ chúc mừng các vị chức sắc Thành hội Phật giáo và toàn thể tăng ni, phật tử thành phố cùng hoan hỷ mừng đón ngày Đản sinh của Đức Phật đồng thời bày tỏ mong muốn trong niềm vui của mùa Phật đản, hòa cùng niềm vui chung của cả đất nước, tăng ni và đồng bào phật tử thành phố, dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo Giáo hội, Thành hội sẽ tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đạo Phật, nhất là tinh thần hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, có nhiều việc làm lợi đạo ích đời, vì chúng sinh, vì nhân dân. Cũng trong dịp này, lãnh đạo các quận, huyện đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm, chúc mừng các vị cao tăng, chư tôn giáo phẩm Phật giáo tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo trên địa bàn.

Trong nhiều năm qua, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động nhân đạo, đem lại lợi ích thiết thực đối với cộng đồng như chương trình "Nồi cháo tình thương" cho bệnh nhân nghèo; bữa ăn bồi dưỡng cho người tâm thần và người già neo đơn; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo; hỗ trợ gạo, tiền cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, phụ nữ đơn thân, bất hạnh..., với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Điển hình như chùa Bát Nhã tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho những người già neo đơn, trẻ em lang thang cơ nhỡ, bệnh nhân tâm thần, học sinh Trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu và làng Hy vọng, học sinh nghèo hiếu học, nạn nhân chất độc da cam, trao nhà tình thương cho những gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, chùa còn tổ chức làm vệ sinh môi trường, góp phần bảo vệ và xây dựng thành phố bên sông Hàn xanh-sạch-đẹp. Hàng chục năm qua, bất kể ngày mưa, tháng nắng, cứ mỗi sáng sớm, từ thứ hai đến thứ bảy, các ni cô của chùa Phổ Hiền đều chở 2 thùng cháo đến Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Nghĩa cử của các ni cô chùa Phổ Hiền hơn 11 năm qua đã giúp hàng nghìn lượt bệnh nhân nghèo bớt đi nỗi khó khăn.

Chỉ với 2 sào ruộng và công việc nấu đồ chay, Sư cô Minh Tịnh- Trụ trì chùa Quang Châu được biết đến như một người nặng tình với trẻ em bất hạnh và người già neo đơn. Hiện tại, sư cô Minh Tịnh đang nuôi dưỡng 5 người già cô đơn, 10 bé trai dưới 3 tuổi và 40 bé gái từ sơ sinh cho đến học lớp 12.

Tại Tổ đình Từ Đàm (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Hòa thượng Thích Đức Thanh, Phó Trưởng Ban Trị sự Giaó hội phật giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế tuyên đọc thông điệp của Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cầu chúc cho đại lễ hoan hỷ, an lạc, thành tựu mọi phật sự. Hoạt động của giáo hội hướng tới đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII nhằm củng cố hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động phật sự, đảm bảo đoàn kết, hoàn hợp, đúng hiến chương giáo hội và pháp luật của nhà nước.

Hòa thượng Thích Giác Quang khẳng định: Cùng với đất nước, giáo hội đang trên đà phát triển. Toàn thế giáo hội cần trau dồi đạo hành, chuyên cần trong tu học, giản dị trong nếp sống, tích cực trong xây dựng giáo hội, phát triển đạo pháp, đóng góp cho hạnh phúc an bình, thịnh lạc cho đất nước và cho mọi chúng sinh.

Tối 5/5, Ban Trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức chương trình lễ hội hoa đăng trên sông Hương, cầu nguyện cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc. Theo đó, vào lúc 18 giờ, lễ rước ánh sáng từ chùa Từ Đàm sẽ được bắt đầu. Ngọn lửa thiêng được 4 xe hoa rước theo lộ trình qua các đường Điện Biên Phủ-Lê Lợi-cầu Phú Xuân-Nghinh Lương đình. Sau khi ngọn lửa thiêng được tôn trí trên đài đăng, lễ hội hoa đăng chính thức được bắt đầu.

Từ đài đăng, ngọn lửa sẽ được các vị cao tăng chuyền ánh sáng sang cho phật tử, công chúng và du khách thắp sáng 15.000 ngọn hoa đăng để thả xuống dòng sông Hương. Cùng thắp sáng cho dòng sông Hương, phía bờ nam sẽ có 51 thuyền hoa của các đơn vị niệm phật đường, các ban trực thuộc của Phật giáo trong tỉnh được trang hoàng lộng lẫy. Phía bờ bắc, trải dài từ chân cầu Phú Xuân đến cầu Bạch Hổ, được thắp sáng lung linh bằng 700 ngọn hoa đăng càng tăng thêm vẻ huyền nhiệm cho dòng sông Hương...

Hoà thượng Thích Thiện Tấn, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị chủ trì buổi lễ tại chùa Tỉnh hội Phật giáo Quảng Trị . Sau 3 hồi chuông Bát nhã rước lễ Đản sinh, Lễ Phật đản diễn ra với các nghi lễ của nhà Phật và lễ Phóng sinh, thả bóng bay cầu nguyện hoà bình.

Tại buổi lễ, đại diện Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Trị đã đọc Thông điệp Đại lễ Phật đản của Đức Pháp chủ Giáo hội phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, cư sỹ, phật tử nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2556; kêu gọi phật tử tiếp tục có những việc làm thiết thực ích đời, lợi đạo.

Với tinh thần "đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội", trong thời gian qua, tăng ni, phật tử tỉnh Quảng Trị đã đoàn kết, gắn bó, đạt được nhiều thành tựu Phật sự; đã kết hợp hài hoà giữa hoạt động Phật sự với công tác xã hội...

Cùng với đại lễ được tổ chức tại chùa Tỉnh hội, trong dịp này, lễ Phật đản cũng được tổ chức tại các chùa ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Tại chùa Tam Bảo, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), sau các nghi lễ truyền thống như tắm Phật, dâng hoa cúng dường, thả chim bồ câu và bong bóng…, Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang còn tổ chức đoàn xe hoa diễu hành trên các tuyến phố chính trong nội ô Rạch Giá với các biểu ngữ “Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Gíao hội”, cầu chúc mọi người một mùa Phật đản an lạc, hạnh phúc.

Trong tuần lễ Phật đản, nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện được phát động rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn thể nhân dân, phật tử trong tỉnh. Dịp này, Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang phát động mọi người cùng nhau bảo vệ môi trường, đặc biệt vận động tăng ni trong toàn tỉnh đọc sách, báo, học tập nhằm nâng cao trình độ và nhận thức xã hội.

Mừng Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2556 - dương lịch 2012 năm nay, tỉnh Kiên Giang cử nhiều đoàn cán bộ đến thăm, tặng quà các chùa, tịnh xá trên địa tỉnh. Tại những nơi đến thăm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã gửi tới các vị hoà thượng, đại đức, chư tăng, sư sãi cùng toàn thể đồng bào phật tử lời chúc hạnh phúc, an lành, tổ chức đón mừng Đại lễ trang trọng, an toàn và thiết thực đồng thời, mong muốn các vị hòa thượng, đại đức, chư tăng, sư sãi cùng đồng bào phật tử tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sống tốt đời-đẹp đạo, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện-xã hội đúng theo phương châm “đạo pháp-dân tộc-chủ nghĩa xã hội”; nhập thế, hoá thân vào các hoạt động của đời sống để góp phần xây dựng cõi “Niết Bàn” ngay trong lòng xã hội, xây dựng quê hương Kiên Giang ngày càng giàu đẹp.

T ại Chùa Viên Quang, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, hơn 10.000 tăng ni, phật tử từ khắp nơi trong tỉnh An Giang đã về tham dự Đại lễ. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, sau khi đọc thông điệp Phật Đản Phật Lịch 2556 – Dương Lịch 2012 của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Hoà thượng Thích Huệ Tài - Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh An Giang đã tiến hành các nghi thức cúng dường Phật Đản, Cử 3 hồi chuông trống bát nhã rước lễ Đản sanh, Niệm hương thuyết pháp, phóng sinh chim bồ câu và cầu nguyện cho “Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa”./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục