Tòa án Pháp cho phép một đối tượng giết người được miễn xét xử

Trong vụ án xảy ra năm 2017, nạn nhân Sarah Halimi, một phụ nữ Do Thái 65 tuổi, đã tử vong sau khi bị hàng xóm là nghi phạm Kobili Traore, 27 tuổi, đẩy ngã ra ngoài cửa sổ căn hộ ở thủ đô Paris.
Tòa án Pháp cho phép một đối tượng giết người được miễn xét xử ảnh 1Người biểu tình giơ bức ảnh nạn nhân Sarah Halimi. (Nguồn: nytimes.com)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi sửa đổi luật pháp tại quốc gia này sau khi một nghi phạm giết người được miễn xét xử trên cơ sở rằng nghi phạm ra tay trong vô thức sau khi dùng ma túy.

Trong vụ án xảy ra năm 2017, nạn nhân Sarah Halimi, một phụ nữ Do Thái 65 tuổi, đã tử vong sau khi bị hàng xóm là nghi phạm Kobili Traore, 27 tuổi, đẩy ngã ra ngoài cửa sổ căn hộ ở thủ đô Paris.

Khi thực hiện hành vi, nghi phạm hô to câu "Allahu Akbar," một câu cầu nguyện tiếng Arab phổ biến của người theo đạo Hồi.

Trong phán quyết đưa ra ngày 14/4, Tòa án Tối cao Pháp quyết định nghi phạm Kobili Traore không phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi sát hại nạn nhân Sarah Halimi năm 2017.

Phán quyết của tòa nêu rõ nghi phạm thực hiện hành vi sát hại nạn nhân trong tình trạng mất ý thức sau khi dùng ma túy và vì vậy, không phải chịu trách nhiệm với những hành động của mình.

Nghi phạm Traore, có tiền sử nghiện cần sa nặng, được đưa đi trị liệu thần kinh sau vụ sát hại Halimi và vẫn tiếp tục được điều trị tại sau phán quyết của tòa án.

[Lại xả súng ở miền Nam nước Pháp, ít nhất 7 người thương vong]

Trong bài phỏng vấn đăng trên báo Le Figaro ngày 19/4, Tổng thống Macron khẳng định cá nhân ông không ủng hộ việc miễn trách nhiệm hình sự đối với những kẻ nghiện ma túygây ra những hành vi "điên cuồng."

Ông Macron cũng muốn Bộ trưởng Tư pháp Eric Dupond-Moretti đề xuất văn bản sửa đổi điều luật này càng sớm càng tốt. Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Macron bày tỏ quan điểm về vụ việc.

Hồi tháng 1/2020, ông Macron cũng đã lên tiếng chỉ trích phán quyết tương tự của tòa án cấp thấp hơn, một động thái châm ngòi mâu thuẫn giữa cơ quan tư pháp và điện Elysée.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Le Figaro, ông Macron tái khẳng định không bình luận về quyết định của tòa án nhưng muốn đảm bảo với thân nhân, gia đình của nạn nhân và những cư dân ủng hộ Do Thái giáo rằng ông luôn dành sự ủng hộ nhiệt thành và nỗ lực để bảo vệ những cộng đồng này.

Vụ sát hại Halimi năm 2017 đã làm dấy lên những tranh luận về một hình thức bài Do Thái mới manh nha trong nhóm những phần tử Hồi giáo cực đoan trẻ tuổi ở những cộng đồng cư dân chủ yếu là người nhập cư.

Phán quyết của Tòa án tối cao Pháp lập tức vấp phải làn sóng phản đối từ các tổ chức vận động bảo vệ người Do Thái.

Các tổ chức này cho rằng quyết định trên làm gia tăng nguy cơ cho cộng đồng người Do Thái tại Pháp.

Các luật sư đại diện cho gia đình nạn nhân Halimi cho biết dự định tiếp tục đưa vụ việc lên Tòa Nhân quyền châu Âu.

Những năm gần đây, cộng đồng người Do Thái tại Pháp liên tục bị các phần tử Hồi giáo cực đoạn tấn công.

Trong đó phải kể đến những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng như năm 2012, một tay súng Hồi giáo đã bắn chết 3 trẻ em và một giáo viên tại một trường học Do Thái ở thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp và vụ một phần tử cực đoan ủng hộ IS đã xả súng sát hại 4 người tại một siêu thị của người Do Thái ỏ thủ đô Paris năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục