“Quảng Châu trong hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh”

Tọa đàm “Quảng Châu trong hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh”

Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ ở Quảng Châu, Trung Quốc, là một bước ngoặt quan trọng trong hành trình cứu nước của Người, là bước quan trọng thực hiện kế hoạch mà Người đã vạch ra.
Tọa đàm “Quảng Châu trong hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh” ảnh 1Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Đảng Cộng sản Pháp năm 1920. (Ảnh Tư liệu)

Nhân kỷ niệm 90 năm Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, Trung Quốc (11/1924 -11/2014), sáng 6/11, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Tọa đàm khoa học “Quảng Châu trong hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh.”

Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động cách mạng ở nhiều nơi, nhiều nước, trở thành chiến sỹ cộng sản quốc tế.

Riêng với Trung Quốc, do yêu cầu của công tác cách mạng, Hồ Chí Minh hoạt động tại đây qua nhiều thời kỳ, tổng cộng gần 10 năm; trong đó, thời kỳ Người đến Quảng Châu từ 1924-1927 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam.

Trước đà phát triển của cách mạng Việt Nam và cách mạng các nước trong khu vực, được sự đồng ý của Quốc tế Cộng sản, ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu và khẩn trương triển khai một loạt công việc nhằm thực hiện một loạt chương trình được xác định từ trước.

Đó là là mở lớp huấn luyện cho những thanh niên yêu nước Việt Nam có mặt tại Quảng Châu về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin, lôi cuốn thanh niên từ trong nước sang, huấn luyện xong lại cử họ về nước hoạt động, tuyên truyền cách mạng.

Từ kết quả huấn luyện đào tạo, sẽ lập ra một số tổ chức cách mạng của thanh niên, chọn lọc trong đó những phần tử trung kiên, chuẩn bị hạt nhân để tiến tới thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam.

Đến Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc theo dõi và chỉ đạo phong trào nông dân ở Trung Quốc và Đông Nam Á, giúp Quốc tế Cộng sản nắm được tình hình về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông.

Như vậy, Quảng Châu đã được Nguyễn Ái Quốc chọn là một điểm dừng chân, một địa bàn hoạt động, một " căn cứ địa quốc tế" của cách mạng Việt Nam. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã khẩn trương tiến hành các hoạt động chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các địa biểu cùng ôn lại những hoạt động và cống hiến của Người đối với Đảng, cách mạng Việt Nam, phong trào cộng sản và công nhân thế giới trong giai đoạn này.

Các nhà khoa học tập trung làm rõ nội dung Nguyễn Ái Quốc với việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (về tổ chức và thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; mở các lớp huấn luyện chính trị; xuất bản báo Thanh niên và tác phẩm "Đường Kách mệnh."

Thời gian hoạt động ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc không chỉ quan tâm đến việc tổ chức lực lượng cho cách mạng Việt Nam, mà còn đặt cơ sở cho việc xây dựng tình đoàn kết giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng các nước.

Các nhà khoa học nhấn mạnh hoạt động của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ ở Quảng Châu là một bước ngoặt quan trọng trong hành trình cứu nước của Người, là bước quan trọng thực hiện kế hoạch mà Người đã vạch ra từ tháng 6/1923.

Kết quả của tọa đàm sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm một giai đoạn trong tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời góp phần tích cực vào thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục