Tọa đàm về đầu tư tạo cơ hội bình đẳng ở Việt Nam

Ngày 24/5, VASS phối hợp với UNDP tổ chức tọa đàm chủ đề “Tăng trưởng phục vụ mọi người: Đầu tư tạo cơ hội bình đẳng ở Việt Nam.”
Ngày 24/5, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp với Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức tọa đàm xác định chủ đề cho Báo cáo Phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2013-2014.

Các đại biểu cùng thống nhất lựa chọn chủ đề “Tăng trưởng phục vụ mọi người: Đầu tư tạo cơ hội bình đẳng ở Việt Nam.”

Theo các đại biểu, việc lựa chọn chủ đề này là do trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bắt đầu giảm sút, một phần do suy giảm kinh tế toàn cầu và phần khác do bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài, chủ yếu bắt nguồn từ những hạn chế của cơ cấu nền kinh tế.

Tăng trưởng đặc trưng là thâm dụng nguồn lực, dựa vào vốn rẻ, lao động rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng thấp. Năng suất đóng góp ngày càng ít cho tăng trưởng...

Ông Arkadi Toritsyn, chuyên gia tư vấn quốc tế của dự án cho rằng những nền tảng kinh tế hiện thời khó bảo đảm duy trì tăng trưởng và tạo đủ việc làm tốt cho lực lượng lao động đang gia tăng.

Tình trạng gia tăng bất bình đẳng về khả năng tiếp cận, cơ hội và tiếng nói càng làm trầm trọng thêm những thách thức cơ cấu của Việt Nam và ảnh hưởng đến mô hình và tốc độ tăng trưởng, tiến bộ phát triển con người.

Cách tiếp cận tăng trưởng bao trùm lấy trọng tâm là việc làm tốt và cơ hội tham dự sẽ không chỉ giải quyết tình trạng bất bình đẳng, mà còn giúp Việt Nam tăng trưởng một cách bền vững.

Nhóm thực hiện Báo cáo gồm các chuyên gia của VASS và UNDP sẽ sử dụng lăng kính phát triển con người và “tăng trưởng bao trùm” để đánh giá các kiểu tăng trưởng kinh tế và tính bao trùm tại Việt Nam, xác định các rào cản thể chế, chính sách và các rào cản lớn khác cản trở tăng trưởng mang tính bao trùm, đưa ra các kiến nghị có tính thực tiễn và có thể biến thành hành động.

Các báo cáo được xây dựng trong quá trình chuẩn bị sẽ cung cấp những đầu vào quan trọng cho việc đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của Việt Nam, hỗ trợ đánh giá tác động của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là sự tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới và các hình thức đối thoại chính sách quan trọng khác./.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục