Tọa đàm về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Việc tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc là yêu cầu tất yếu khách quan của sự nghiệp phát triển đất nước, đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại và bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ Quốc.
Tọa đàm về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ảnh 1Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

“Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới” là nội dung cuộc tọa đàm do Báo Nhân dân phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sáng 15/9 tại Hà Nội

Tọa đàm làm rõ hơn về lý luận và thực tiễn vai trò, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

Tọa đàm cũng nhằm nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Nhìn nhận đặc trưng nổi trội của Mặt trận so với các tổ chức khác trong xã hội là tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, mọi lực lượng xã hội, các đại biểu cho rằng đây là nhiệm vụ cơ bản, xuyên suốt của Mặt trận và cũng là trách nhiệm nặng nề, là niềm tin cậy của đất nước và dân tộc dành cho Mặt trận.

Ngày nay, việc tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc là yêu cầu tất yếu khách quan của sự nghiệp phát triển đất nước, đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc.

Không giống với những thời kỳ trước đây, việc tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc lúc này cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, sâu sắc và có những đổi mới thực sự từ nhận thức đến hành động, từ cơ chế đến tổ chức, từ chủ thể lãnh đạo, quản lý đến người dân.

Theo ông Trần Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bước vào giai đoạn đổi mới của đất nước, các Đại hội của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng trong việc động viên các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng, quản lý kinh tế và quản lý xã hội trên cơ sở coi trọng lợi ích và nhu cầu của quần chúng, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân.

Trước bối cảnh, tình hình mới của đất nước và quốc tế, để củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, Đảng ta vẫn đề ra chủ trương mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân; nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Ông Trần Hậu cũng nêu lên những đặc điểm của bối cảnh lịch sử ngày nay tác động đến việc tập hợp, đoàn kết toàn dân và những việc cần làm để Mặt trận có thể góp phần tăng cường tập hợp và đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong tiến trình tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, trong đó có việc đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò, tính chất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay; mở rộng đối tượng tập hợp vào Mặt trận, mở rộng hình thức tập hợp các tầng lớp nhân dân.

Ông Trần Hậu cho rằng cần xác định rõ điểm tương đồng trong hoàn cảnh mới để tập hợp toàn dân trong Mặt trận; đẩy mạnh các hình thức tiếp xúc đối thoại, cung cấp thông tin, tăng sự hiểu biết lẫn nhau, tạo môi trường lành mạnh để các tầng lớp xã hội có dịp phát biểu ý kiến của mình một cách thẳng thắn.

Giáo sư-tiến sỹ Đỗ Quang Hưng nhìn nhận Đảng đã “mở cánh cửa” thêm cho Mặt trận về mặt pháp lý, về vị thế chính trị xã hội, tạo cho Mặt trận một vị thế mới khi đề cập đến chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận. Mặt trận đã sang trang mới, không chỉ là người đại diện chính đáng hợp pháp quyền lợi của nhân dân mà còn tham gia vào việc kiểm soát quyền lực.

Ông cho rằng Văn kiện Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên nhấn mạnh thêm về vị thế mới, tư thế mới để ý thức, đánh dấu một kỳ đại hội của Mặt trận trong sự phát triển đi lên.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đề cập đến những kinh nghiệm của Mặt trận trong việc đoàn kết dân tộc và tôn giáo để giữ ổn định và phát triển đất nước, qua đó nhấn mạnh đến việc làm rõ đặc điểm dân tộc và bình đẳng giữa các dân tộc.

Trong đại đoàn kết dân tộc tôn giáo, cần nhấn mạnh thêm vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo là một trong những biểu hiện, nhu cầu của nhân quyền-điều đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục