Tọa đàm về xuất khẩu bền vững cá da trơn của Việt Nam vào EU

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được chứng nhận về môi trường như Global GAP, ASC, điều này cho thấy các tổ chức quốc tế đã công nhận quy trình nuôi bền vững cá da trơn của Việt Nam.
Tọa đàm về xuất khẩu bền vững cá da trơn của Việt Nam vào EU ảnh 1Chế biến cá xuất khẩu. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Ngày 22/4, cuộc tọa đàm về xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Brussels, Bỉ.

Cuộc tọa đàm do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Trung tâm xúc tiến xuất khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) của Hà Lan trong khuôn khổ Hội chợ Thủy sản Toàn cầu lần thứ 23 diễn ra từ ngày 21-23/4 tại thủ đô Brussels. Tham dự tọa đàm là các nhà nhập khẩu châu Âu cá da trơn của Việt Nam.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, hội thảo là dịp các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ trực tiếp các nhà nhập khẩu để hiểu rõ về thị trường châu Âu và thị hiếu của người tiêu dùng nhằm điều chỉnh các quy định cho phù hợp.

Theo các nhà nhập khẩu châu Âu, tỷ lệ mạ băng hay độ ẩm trên cá da trơn cần được ghi rõ ràng trên bao bì để tạo sự minh bạch cho sản phẩm và tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Họ cũng cho rằng loại cá này có thể hấp thụ lượng ẩm rất lớn, khác nhiều các loại cá khác như cá rô phi.

Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định Việt Nam luôn mong muốn cải thiện hình ảnh cá da trơn cũng như minh bạch sản phẩm. Trong tháng Bảy, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ điều chỉnh Nghị định 36 về tỷ lệ thủy phần trên sản phẩm xuất khẩu nhằm phù hợp với các thị trường.

Liên quan đến những lo ngại về chất lượng cá da trơn của Việt Nam, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP khẳng định hiện nay cá tra và basa được nuôi ở Việt Nam trong một quy trình tương đối hiện đại. Nhiều doanh nghiệp có khu nuôi tập trung và kiểm soát kỹ lưỡng từ khâu chọn lọc con giống, cung cấp thức ăn, chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã đạt được chứng nhận về môi trường như Global GAP, ASC. Điều này cho thấy các tổ chức quốc tế đã công nhận quy trình nuôi bền vững của Việt Nam.

Cá da trơn hiện được nuôi tại 11 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long trên diện tích 5.550ha với sản lượng xuất khẩu hơn 1,11 triệu tấn/năm, đạt kim ngạch gần 1,8 tỷ USD trong năm 2014. EU là một trong ba thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, cùng với Mỹ và Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam vào EU đạt hơn 344 triệu USD năm 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục