Tội phạm mạng đang lợi dụng VN làm "bàn đạp" phát tán thư rác

Tội phạm mạng đang lợi dụng Việt Nam làm "bàn đạp" phát tán thư rác

Dự báo của các chuyên gia VNCERT cho biết, xu hướng IoT sẽ làm xuất hiện các loại mã độc, hình thức tấn công mới nhắm đến các thiết bị thông minh sử dụng trong cuộc sống.
Tội phạm mạng đang lợi dụng Việt Nam làm "bàn đạp" phát tán thư rác ảnh 1Ông Đường cho biết, tình hình an ninh mạng đang diễn biến phức tạp. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), tình hình an toàn thông tin tại Việt Nam trong năm 2015 diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tấn công của hacker.

Báo cáo của VNCER tại Hội thảo tổng kết hoạt động thông tin, cảnh báo, ứng cứu sự cố mã độc gián điệp, tấn công có chủ đích diễn ra sáng 22/12 cho thấy, trong 11 tháng của năm 2015, tại Việt Nam đã có tới 27.978 sự cố an toàn thông tin.

Riêng ở khối cơ quan nhà nước, trong mười tháng đầu năm, có tới 109 trang web bị tấn công thay đổi giao diện với 144 link bị thay đổi; 106 trang web bị cài mã độc với 227 link phát tán mã độc; 1 trang web bị tấn công cài mã lừa đảo (phishing).

Năm 2014, tổng số các sự cố mà VNCERT ghi nhận được là 28.186 và năm 2013 chỉ là 4.810 sự cố.

Nhìn vào các con số trên, có thể thấy năm 2014 và 2015, tình hình an toàn thông tin ở Việt Nam rất phức tạp. Nhiều hãng bảo mật trên thế giới cũng đưa ra cảnh báo tội phạm mạng đang lợi dụng Việt Nam để làm “bàn đạp” phát tán thư rác.

Ông Đường cho hay, các loại sự cố phổ biến thường thấy như lừa đảo thẻ cào, mã hóa dữ liệu người dùng, chiếm đoạt tài khoản, lây lan mã độc tống tiền Ransomware, trộm cắp thông tin cá nhân…

“Tấn công mạng ngày càng nguy hiểm. Thuật ngữ chiến tranh mạng giờ đây không còn xa lạ với mọi người,” lãnh đạo VNCERT nhấn mạnh.

Tội phạm mạng đang lợi dụng Việt Nam làm "bàn đạp" phát tán thư rác ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: wonderhowto.com)

Phía VNCERT cũng cho rằng, năm 2016, tấn công mạng nhằm vào dữ liệu người dùng sẽ gia tăng với các tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền, tấn công trộm cắp thông tin cá nhân. Hình thức tấn công vào các hạ tầng trọng yếu sẽ tăng theo xu hướng phát triển của các chiến dịch tấn công liên quan đến chiến tranh mạng do các quốc gia hoặc các tổ chức tội phạm thực hiện.

Bên cạnh đó, mã độc nhắm vào smartphone với các hình thức tinh vi hơn sẽ xuất hiện. Đặc biệt, xu hướng IoT (Internet of Things) sẽ làm xuất hiện các loại mã độc, hình thức tấn công mới nhắm đến các thiết bị thông minh sử dụng trong cuộc sống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục