Tôm, cá được giá, nhiều hộ mở rộng diện tích nuôi

Tôm cá được giá, nhiều hộ mở rộng diện tích nuôi

Hai tháng đầu năm, hai mặt hàng tôm và cá được tiêu thụ mạnh khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đầu tư mở rộng diện tích nuôi.
Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trong hai tháng đầu năm, giá cả nhiều mặt hàng thủy sản tiếp tục tăng cao; đặc biệt, hai mặt hàng tôm và cá đang được tiêu thụ mạnh khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trong cả nước đang đầu tư mở rộng diện tích nuôi.

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, chỉ trong hai tháng đầu năm, sản lượng khai thác từ nuôi trồng đạt 304.000 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, mặt hàng cá nuôi ước đạt 112.000 tấn, tăng 4,7%; tôm nuôi đạt 16.500 tấn, tăng 10%.

Các chuyên gia ngành thủy sản đánh giá, sản lượng cá nuôi tăng khá do cá tra trong kỳ được giá và tiêu thụ tốt. Hiện nhiều hộ nuôi đang tiến hành nuôi để xuất bán. Tuy nhiên, việc đáp ứng cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến vẫn còn hạn chế do các hộ nuôi vẫn chưa thực sự an tâm vì lo ngại giá cả không ổn định, thêm vào đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay của các hộ nuôi còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, giá tôm đang ở mức cao nên khuyến khích người nuôi đầu tư mở rộng diện tích nuôi. Sản lượng tôm nuôi trong kỳ tăng chủ yếu từ thu hoạch trên các diện tích nuôi tỉa thưa, thả bù và nuôi trái vụ.

Hiện giá tôm sú tại thị trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, loại 20 con/kg có giá từ 260.000 đến 290.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá từ 190.000 đến 220.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá từ 150.000 đến 170.000 đồng/kg… Tại An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, giá cá tra cũng liên tục leo thang; các doanh nghiệp đang thu mua cá tra từ 24.000 đồng/kg trở lên, cao nhất từ trước đến nay.

Nhằm nâng cao hiệu quả từ nghề nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã hướng dẫn các biện pháp chống rét trong nuôi trồng thủy sản; chỉ đạo thu hoạch các sản phẩm nuôi trồng có khả năng chịu lạnh kém; chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn giống bố mẹ; đồng thời, hướng dẫn các địa phương, cơ sở thực hiện các biện pháp kỹ thuật gia cố, sữa chữa, cải tiến kỹ thuật hệ thống ao đầm nuôi, chuẩn bị cho vụ nuôi 2011.

Tuy nhiên, các ngành chức năng đã khuyến cáo lịch thả nuôi tôm giống vụ I muộn hơn so với năm trước do thời tiết vẫn còn lạnh.

Ngoài ra, Bộ cũng đang hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống thủy sản từ Trung ương đến các địa phương.

Bộ phấn đấu đến năm 2015, cung cấp 100% giống thủy sản cho nhu cầu nuôi; 70% giống các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tôm càng xanh, rô phi, nhuyễn thể) là giống sạch bệnh. Đến năm 2020, cung cấp 100% giống các đối tượng nuôi chủ lực là giống chất lượng cao sạch bệnh…/.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục